Khách hàng bớt rủi ro
Sự hợp tác các bên giữa ngân hàng, chủ đầu tư và nhà thầu dự án bất động sản được triển khai ngay từ đầu, điều này đã giúp người mua nhà có tâm lý an tâm hơn khi “xuống tiền” cho chủ đầu tư xây dựng dự án. Một khi đã có vốn, dòng tiền vào đúng dự án thì các bên đều được hưởng lợi, chủ đầu tư có lợi nhuận tốt hơn, khách hàng sớm có nhà, rút ngắn thời gian vay vốn, giảm chi phí vay.
Sự xuất hiện của ngân hàng với vai trò đơn vị thu xếp vốn, quản lý dòng tiền và bảo lãnh dự án đã được triển khai ở khá nhiều dự án nhưng chưa phổ biến. Có thể kể đến như dự án CT Number One Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), Dự án được ngân hàng Agribank bảo lãnh dòng tiền. Dòng tiền đóng vào dự án của khách hàng được ngân hàng Agribank giám sát và giải ngân theo tiến độ xây dựng của dự án. Khách hàng sẽ có xác nhận của các bên liên quan khi đóng tiền.
Trong trường hợp, chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà theo đúng tiến độ cam kết thì khách hàng có thể lấy lại toàn bộ số tiền gốc cộng với lãi suất tính theo thời điểm hiện tại từ ngân hàng.
Hay như dự án Masteri Thảo Điền (Quận 2, TPHCM) do Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư. Theo thoả thuận được ký kết, Techcombank sẽ tài trợ tín dụng cho dự án, đồng thời quản lý mọi khoản tiền khách hàng chi trả cho chủ đầu tư.
Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết bàn giao nhà theo hợp đồng, Techcombank cam kết chi trả toàn bộ các lợi ích cho khách hàng theo quy định tại hợp đồng, bao gồm các khoản tiền khách hàng đã trả trước, tiền lãi và phí phạt liên quan mà chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán.
Dự án Vitory Thăng Long(Hoài ĐỨc, Hà Nội), khách hàng có lý do để yên tâm mua căn hộ tại đây vì dự án được bảo lãnh tiến độ bởi ngân hàng SHB và BIDV. Nếu có bất cứ rủi do nào về dự án Ngân hàng sẽ hoàn tiền cho khách hàng. Nhiều dự án được ngân hàng bảo lãnh tiến độ khác như Ngân hàng Indovina bảo lãnh dự án chung cư 89 Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) hay Ngân hàng Maritime Bank bảo lãnh dự án Goldmark City – chung cư 136 Hồ Tùng Mậu…
Theo đánh giá của một chuyên gia BĐS, việc giao dịch mua bán nhà ở giữa khách hàng và chủ đầu tư phải có sự bảo lãnh của ngân hàng, nên không còn rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai.
Để khắc phục tình trạng chủ đầu tư "tay không bắt giặc", Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới được thông qua tháng 11/2014, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 dù vẫn cho phép bán nhà trên giấy, nhưng cũng đưa ra nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo cơ quan quản lý, quy định mới này cũng sẽ tạo điều kiện để người dân quay trở lại thị trường, giúp cho chủ đầu tư có tiền để triển khai dự án.
“Trái đắng” mua nhà trên giấy
Vấn đề mua nhà hình thành trong tương lai và khiến nhiều khách hàng nếm “trái đắng” không phải là hiếm. Trên thị trường chúng ta đã nhìn thấy nhiều trường hợp điển hình mà đến nay họ còn chưa biết tiền của mình đi đâu, lấy lại bằng cách nào.
Có thể kể tới như dự án của Tập đoàn Housing Group, sau vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, khách hàng đã “mắc kẹt” hàng trăm tỷ đồng, "tiền nộp xong đã lâu mà nhà mãi chưa thấy đâu".
Nhiều khách hàng đã góp tiền mua nhà tại các dự án Hesco Văn Quán, Vĩnh Hưng Dominium của Công ty CP Tập đoàn VinaMegastar cũng chưa biết bao giờ mới nhận được nhà khi dự án vẫn chỉ là bãi đất để cho cỏ mọc, tiền cũng không lấy lại được trong khi ông Chủ tịch HĐQT VinaMegastar đã bị bắt hơn 1 năm.
Điểm lại các bê bối bất động sản liên tiếp xảy ra gần đây đều có điểm chung là huy động tiền tỷ từ khách hàng dưới hình thức góp vốn, sau đó dùng vào mục đích khác, thay vì đầu tư dự án để bàn giao nhà cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, các vụ việc tranh chấp vừa qua cho thấy khách hàng mua nhà chưa hoàn thiện, đặc biệt là những dự án hồ sơ pháp lý chưa rõ ràng, mới khởi công còn quá nhiều rủi ro.
Chính vì thế, việc quy định ngân hàng bảo lãnh, đứng ra thu xếp vốn là một trong những nội dung quan trọng trong Luật kinh doanh BĐS sắp có hiệu lực. Điều này sẽ góp phần tránh rủi ro cho khách hàng cũng như hướng tới một thị trường phát triển bền vững.
Theo Trí thức trẻ