Chỉ trong vòng hơn một năm từ khi đại dịch bùng nổ, nhiều nơi trên thế giới chứng kiến cảnh phong tỏa, tê liệt kinh tế và mất mát sinh mạng. Bất chấp những tổn thất và rủi ro do virus, viễn cảnh đáng mừng hơn đang ở phía trước.
Toàn cầu đang bắt đầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tại Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 chiếm 1/4 tổng số ca nhiễm toàn cầu, số người được tiêm vaccine đã tăng khoảng 5% so với đầu tuần tháng Hai, trong khi số ca nhiễm bệnh mới giảm 15%. Nhiệt độ ấm dần lên khiến virus khó lây lan hơn ở ngoài trời.
"Có lý do để chúng ta hy vọng và đại dịch chắc chắn sẽ kết thúc như chúng ta khao khát, nhưng kết thúc như thế nào và nhanh đến đâu phụ thuộc vào hành động của chúng ta hôm nay", theo bác sỹ Leana Wen, chuyên gia phân tích y tế tại CNN.
Có thể cần tới 7 năm để cuộc sống trở lại bình thường
Khi nào đại dịch kết thúc là câu hỏi thường trực kể từ khi tin tức về bệnh lây nhiễm đường hô hấp tại thành phố Vũ Hán bắt đầu lan ra. Câu trả lời có thể được xác định bằng việc tiêm vaccine COVID-19 và với tốc độ tiêm chủng hiện tại, có thể cần tới 7 năm để cuộc sống trở lại bình thường.
Cơ sở dữ liệu do Bloomberg thu thập cho thấy, đến nay có hơn 119 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, người có hơn 30 năm làm việc tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ, vaccine cần độ phủ đến 70-85% dân số thì thế giới mới trở lại bình thường. Theo tính toán của Bloomberg, với tỉ lệ và tốc độ tiêm chủng hiện tại, cả thế giới sẽ mất đến 7 năm để tiêm hai liều vaccine cho 75% dân số toàn cầu.
Tuy nhiên, với việc các nhà sản xuất vaccine mở rộng quy mô sản xuất, và nhiều loại vaccine được chấp thuận hơn, con số này có thể được cải thiện. Sẽ có nhiều người được tiêm chủng hơn trong thời gian tới.
Sự bất cân xứng
Việc tiêm chủng đang được thực hiện nhanh chóng hơn ở các nước phương Tây so với phần còn lại của thế giới. Các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh có khả năng đánh bại COVID-19 sớm hơn nhiều so với các quốc gia nghèo hơn và những quốc gia có dân số đông - chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Israel, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay, đang đứng đầu với tỉ lệ tiêm chủng và sắp đạt mục tiêu tiêm đủ 75% trong số 9 triệu dân của mình vào tháng Ba tới. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng vậy. Mỹ có khả năng đạt tới mục tiêu đó vào năm 2022 (mặc dù bang North Dakota có thể đạt mục tiêu sớm hơn bang Texas sáu tháng).
Mặt khác, Trung Quốc sẽ mất đến 5,5 năm để tiêm chủng được hết lượng dân số khổng lồ của mình, mặc dù nước này đang tiêm được đến hơn một triệu liều vaccine mỗi ngày.
Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Nga có thể sẽ mất hơn 10 năm nếu tiếp tục với tốc độ tiêm chủng hiện tại.
Rủi ro của sự phân bổ không đồng đều
Việc thụt hậu trong tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 tại các quốc gia kém phát triển không chỉ dẫn đến nguy cơ suy giảm phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn có thể đem lại nhiều nguy cơ bùng phát bệnh dịch mới do biến chủng virus trong số người dân nhiễm bệnh.
Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, việc phân bổ vaccine không đồng đều có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại đến 9,2 nghìn tỉ USD.
Vì chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp và nhiều quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, cùng với nguyên nhân dịch tễ học, các quốc gia phát triển có áp lực phải chia sẻ nguồn dự trữ vaccine cho các nước kém phát triển, bất chấp công chúng có thể không ủng hộ điều này.
Trong thời gian chờ đợi vaccine được phổ biến rộng rãi và đạt đến miễn dịch cộng đồng – một thời gian còn khá lâu, việc thực thi các hướng dẫn y tế cộng đồng vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2021.
“Khi nói đến sức khỏe cộng đồng, mọi người cần đồng lòng”, theo ông Fauci. “ Nếu chúng ta, thống nhất trong cả nước, thực hiện các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng - đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh nơi đông người, làm việc ngoài trời nhiều hơn trong nhà và rửa tay thường xuyên - tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy hiệu quả”. Ông chia sẻ kinh nghiệm từ các tiểu bang hoặc thành phố và quốc gia đã thực hiện các biện pháp phòng dịch này và tin rằng điều này luôn có hiệu quả trong việc kiểm soát đường cong lây nhiễm.
Thao khảo:
https://www.straitstimes.com/world/pandemic-could-end-in-7-years-at-current-pace-of-vaccination
https://www.scientificamerican.com/article/fauci-explains-how-to-end-the-covid-pandemic1/
https://edition.cnn.com/2021/02/08/us/signs-hope-coronavirus-pandemic-wellness-trnd/index.html