Tên lửa hành trình tầm xa AGM-158
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn vũ khí và thiết bị tiên tiến, trong đó có máy bay chiến đấu F-16 có tính năng vượt trội.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, Ukraine hiện vẫn rất cần tên lửa hành trình tấn công tầm xa không đối đất (JASSM) AGM-158 bởi loại tên lửa này có thể cho phép các phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16 tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Nga từ khoảng cách an toàn.
Ba nguồn tin nói với Reuters rằng Mỹ sẽ tuyên bố vào mùa thu này họ sẽ đưa tên lửa hành trình JASSM vào kế hoạch viện trợ quân sự mới cho Ukraine, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Các quan chức này nói với Reuters rằng việc cung cấp tên lửa hành trình JASSM cho Ukraine có thể thay đổi hướng đi và thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược của cuộc chiến Nga-Ukraine. Loại tên lửa tàng hình, dẫn đường chính xác và mạnh mẽ này sẽ đưa chiều sâu lãnh thổ Nga vào phạm vi tấn công.
Tầm bắn của tên lửa hành trình JASSM vượt xa tất cả các tên lửa hoặc vũ khí mà Ukraine hiện đang sở hữu và sẽ buộc quân đội Nga phải đưa các khu vực tập trung quân và kho hậu cần ra cách xa mặt trận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km, từ đó cản trở hoạt động tấn công của quân đội Nga tại Ukraine.
JASSM hiện nay chỉ có thể được mang và phóng bằng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, mỗi chiếc có thể mang theo hai tên lửa cùng lúc, trong khi Ukraine sẽ sớm có hàng chục máy bay chiến đấu F-16.
Một quan chức Mỹ khác nói với Reuters rằng, Mỹ cũng có thể chuẩn bị trang bị tên lửa này cho các máy bay chiến đấu không do Mỹ sản xuất hiện thuộc quyền sở hữu của Ukraine, chẳng hạn như máy bay chiến đấu MiG-29, Su-24 và Su-27 thời Liên Xô, qua đó tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với quân đội Nga.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng tình hình chiến sự ở miền đông Ukraine hiện không thuận lợi cho quân đội Ukraine, bởi lực lượng tinh nhuệ của Nga gần đây đã gây áp lực mạnh mẽ lên lực lượng phòng thủ Ukraine. Nhưng một khi quân đội Ukraine được trang bị tên lửa hành trình JASSM, họ có thể nhanh chóng lật ngược tình thế cuộc chiến và chuyển từ bị động sang chủ động.
Tính năng và thông số cơ bản của JASSAM
JASSM là tên lửa hành trình phóng từ máy bay ở ngoài khu vực phòng thủ của đối phương, được Mỹ phát triển vào cuối những năm 1990.
Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu. Nó có thể được trang bị đầu đạn nổ hoặc xuyên giáp. AGM-158 JASSM dài 4,72m, sải cánh 2,4m nặng 975kg, đầu đạn nặng 453kg. Tên lửa lắp động cơ tuốc bin phản lực Teledyne CAE J402-CA-100 cho tầm bắn 370km, biến thể AGM-158B đạt tầm bắn tới 1.000km. Khi tiếp cận mục tiêu, chức năng tự nhận dạng sẽ được kích hoạt để cải thiện độ chính xác.
Đúng như tên gọi, tên lửa chủ yếu cho phép máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ tấn công các mục tiêu từ bên ngoài hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài tầm bắn xa, bản thân tên lửa JASSAM còn có khả năng tàng hình và chống nhiễu nhất định.
Trang The WarZone của Mỹ khẳng định điều này đặc biệt quan trọng với Ukraine khi hệ thống tác chiến điện tử và phòng không của quân đội Nga được sử dụng rộng rãi, bởi khả năng răn đe của tên lửa hành trình do các nước châu Âu cung cấp đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi khả năng gây nhiễu của quân đội Nga.
Ngay từ tháng 2 năm nay, đã có tin từ cả Ukraine và Mỹ rằng chính quyền Biden có ý định cung cấp cho Ukraine một số loại tên lửa "tầm xa hơn và mạnh hơn". Vào thời điểm đó, trang web The WarZone và các cơ quan truyền thông khác suy đoán rằng đây có thể là tên lửa JASSAM.
Sau đó vào tháng 7, Ukraine cử một phái đoàn đến thăm Mỹ và một lần nữa yêu cầu tên lửa JASSAM. Đồng thời, các nhà lập pháp của cả hai đảng cũng bắt đầu gây áp lực với Nhà Trắng, yêu cầu ông Biden nới lỏng các hạn chế về vũ khí hỗ trợ Ukraine. Có tin những yêu cầu này đã được chuyển tới bàn làm việc của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.
Một khi JASSAM được trang bị cho quân đội Ukraine, không chỉ các khu vực phía đông Ukraine và Crimea do quân đội Nga kiểm soát sẽ nằm trong tầm bắn, mà cả một vùng đất rộng lớn ở phía tây nước Nga cũng sẽ nằm trong tầm tấn công của tên lửa.
Điều quan trọng nhất là phần lớn các căn cứ quân sự, sân bay, trung tâm vật chất và trung tâm trung chuyển của Nga cung cấp nguồn lực sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Nga ở tiền tuyến đều nằm trong tầm tấn công của tên lửa. Nguồn dự phòng của quân đội trên chiến trường Ukraine về cơ bản sẽ bị cắt đứt.
Ngoài ra, dù tầm bắn 370 km chưa đủ đưa Moscow vào phạm vi tấn công nhưng nếu F-16 thực sự bay vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ lập tức bị tên lửa trùm lên; đó là chưa kể biến thể AGM-158B có tầm bắn tới 1.000km.
Theo Sohu, Creaders