"Thành phố tên lửa ngầm" của Iran khiến thế giới bàng hoàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bị quân đội Israel ở phía trước và Mỹ ở phía sau đe dọa, Iran thực tế đã bị mắc kẹt trong tình huống bị tấn công từ mọi phía. Trong bối cảnh này, Iran cần phải thể hiện sức mạnh của mình.

Các xe phóng tên lửa xếp thành hàng dài trong "thành phố tên lửa ngầm". Ảnh: QQnews.
Các xe phóng tên lửa xếp thành hàng dài trong "thành phố tên lửa ngầm". Ảnh: QQnews.

Iran lần đầu công bố hình ảnh về “thành phố tên lửa ngầm”

Theo các hãng truyền thông nước ngoài, Iran gần đây đã vén bức màn bí ẩn về một "thành phố tên lửa ngầm” mới của mình.

Cơ sở này, được gọi là "thành phố tên lửa", được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corps, IRGC) xây dựng. Hôm 10/10/2024, Thiếu tướng Hossein Salami, Tổng tư lệnh IRGC, và Chuẩn tướng Hajizadeh, Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ, đã cùng nhau tham dự buổi lễ khánh thành căn cứ này. Tuy nhiên, đến nay, những hình ảnh về “thành phố tên lửa ngầm” này mới được công khai.

Hai tuong chi huy thi sat.png
Hai tướng chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng và Không quân vũ trụ thị sát kho tên lửa dưới lòng đất. Ảnh: QQnews.

Đoạn video về “thành phố tên lửa” cho thấy rất nhiều loại tên lửa từ tên lửa tầm ngắn, tên lửa chống hạm đến các mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung như "Qiam" có tầm bắn 1.000 km, "Emad" có tầm bắn 1.700 km và "Qadr" có tầm bắn 1.950 km hay tên lửa siêu thanh Fattah-2… được cất giữ.

Đoạn video có cảnh các xe chở tên lửa xếp thành hàng dài, hai tướng lĩnh Iran ngồi trên xe hơi chạy giữa kho tên lửa. Mặc dù vậy, người ta cho rằng 90% "thành phố tên lửa" này vẫn chưa được công khai và tiềm lực của nó không thể bị đánh giá thấp.

Kho chua dau dan.png
Kho chứa đầu đạn. Ảnh: QQnews.

Trong buổi thị sát, Thiếu tướng Salami đã khen ngợi các binh lính tham gia các chiến dịch “Real Promise-1” và “Real Promise-2”. Hai chiến dịch này là các cuộc tấn công tầm xa vào Israel, đánh dấu sự nâng cấp liên tục của Iran về công nghệ tên lửa và khả năng tấn công tầm xa.

Tướng Salami khẳng định, bất kỳ thông tin nào cho rằng năng lực sản xuất tên lửa của Iran đã suy yếu đều là sai sự thật. Ông cho biết tên lửa của Iran đang liên tục được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, năng lực và về thiết kế, đồng thời dự báo tới đây sẽ có thêm nhiều loại tên lửa mới được công bố. Có vẻ như Iran sẽ "chơi bài ngửa" với Israel.

Fattah-2.png
Tên lửa siêu thanh Fattah-2. Ảnh: Singtao.

Trước đây, Israel và Iran đã tấn công vào lãnh thổ của nhau. Khi Iran bị tấn công, có thông tin nói rằng Israel đã tấn công các mục tiêu liên quan đến việc sản xuất và cất giữ tên lửa của Iran. Tuy nhiên, hiện giờ Iran đã chứng minh năng lực tên lửa của nước này vẫn chưa bị suy yếu.

Điều này ngụ ý rằng Iran vẫn có thể sử dụng một số lượng lớn tên lửa để tấn công lãnh thổ Israel - lần trước khi tấn công Israel, Iran cũng đã sử dụng tên lửa từ “thành phố tên lửa” này.

Át chủ bài của Iran?

Iran đã bắt đầu tích trữ một lượng lớn công nghệ tên lửa cho quân đội của mình từ nhiều thập kỷ trước, đặc biệt là phát triển tên lửa nhiên liệu lỏng. Những tên lửa này là tài sản cốt lõi trong hệ thống phòng thủ của Iran xét về mặt bố trí chiến lược, độ chính xác của đòn tấn công và hiệu quả răn đe.

Ten lua chong ham.png
Kho chứa tên lửa chống hạm. Ảnh: QQnews.

Những hình ảnh về “thành phố tên lửa” ngầm được công khai lần này chỉ là một phần, có tin 90% diện tích còn lại vẫn chưa được công khai. Vì vậy, đây thực sự là quân bài chủ của Iran, một biện pháp mà Iran chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.

Trong vụ đánh bom các căn cứ quân sự của Mỹ trước đây và hai cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel trong năm qua, Iran đều đã phóng tên lửa từ dưới lòng đất để tấn công kẻ thù khi họ buộc phải tiến hành.

Rõ ràng, “thành phố tên lửa ngầm” này không chỉ là một kho tên lửa đơn thuần, nó còn tượng trưng cho quyền tự chủ chiến lược của Iran và khả năng ứng phó với các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Mot so loai ten lua Iran.jpg
Một số loại tên lửa đạn đạo đất đối đất của Iran và tầm bắn. Ảnh: CSIS.

Iran được cho là có ba thứ "vũ khí” để chống lại Mỹ và Israel. Đầu tiên là Vòng cung kháng chiến (Arc of Resistance); thứ hai, tên lửa đạn đạo; thứ ba, có thể có vũ khí hạt nhân.

Tình hình hiện tại là “Vòng cung kháng chiến”, tức các lực lượng vũ trang do Iran xây dựng như Hezbollah, Houthi, Hamas… không chỉ đã tê liệt, khó có thể phát huy tác dụng lớn, mà thậm chí nếu không sử dụng tốt có thể dẫn đến thảm họa. Hiện giờ Mỹ và Israel đã chuyển mũi giáo của họ vào lực lượng vũ trang Houthi. Nếu Houthi bị đánh bại, mục tiêu tiếp theo rất có thể sẽ là Iran.

Iran phong ten lua.png
Tên lửa tầm trung được đưa ra khỏi thành phố ngầm để Iran tấn công Israel.
Ảnh: QQnews

Đối với lựa chọn vũ khí hạt nhân, rủi ro cũng rất cao. Nếu Iran đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển hạt nhân, họ có thể bị tấn công ngay lập tức. Cả chính quyền Biden và chính quyền Trump đều cân nhắc điều này, và Israel sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào, nên người ta cho rằng Iran không dám đi theo đường hướng này.

Điều này có nghĩa là hai trong ba “vũ khí” không thể sử dụng được; thứ “vũ khí” còn lại, tên lửa đạn đạo, cũng không mạnh như người ta tưởng. Có vẻ như Iran dám tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và lãnh thổ Israel, nhưng những cuộc tấn công này không thể gây ra được tổn thất lớn cho Mỹ hoặc Israel.

Điều này có nghĩa là tên lửa đạn đạo có thể không thực sự ngăn chặn được Mỹ và Israel, nhưng không còn cách nào khác, bởi xét cho cùng, Iran không còn con át chủ bài nào khác.

Mot so loai tam ngan.png
Một số loại tên lửa tầm ngắn của Iran. Ảnh: QQnews.

Thời gian vừa qua Iran rất bận rộn. Đầu tiên, một cuộc tập trận quy mô lớn đã được tiến hành và mục tiêu chính của cuộc tập trận là phòng thủ, điều này cho thấy Iran cũng tin rằng họ có thể bị tấn công. Nay, hình ảnh về thành phố tên lửa đã được họ công bố, rõ ràng là nhằm mục đích răn đe Mỹ và Israel.

Điều này cũng phản ánh rằng Iran thực sự lo ngại Mỹ và Israel sẽ ra tay hành động, đặc biệt là sau khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Trump đã thể hiện rõ khuynh hướng "đế quốc" và thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực chống lại các đồng minh của mình khi tuyên bố ngần ngại dùng vũ lực để chiếm lấy Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Theo QQnews