Khám phá tàu sân bay chuyên dụng cho UAV đầu tiên trên thế giới của Iran

Ngày 6/2 vừa qua, Iran đã công bố các đoạn video cho thấy nước này đã đưa chiếc tàu sân bay chuyên dụng cho máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới vào hoạt động, chính thức gia nhập biên chế Hải quân Iran.
Shahid Bagheri, chiếc tàu sân bay chuyên dụng cho máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới, đi vào hoạt động. Ảnh: NetEasy.

Tàu sân bay chuyên dụng cho UAV đầu tiên trên thế giới

Một số hình ảnh được Iran công bố cho thấy cảnh các máy bay không người lái (UAV) cất cánh và hạ cánh trên boong tàu sân bay mới mang tên Shahid Bagheri với sự trợ giúp của thiết bị hãm.

Những hình ảnh mới được tiết lộ cũng cho thấy trên boong tàu sân bay có nhiều UAV và trực thăng có người lái, với một đường băng kiểu trượt hẫng ở cuối mũi tàu; trong số này dường như có một chiếc UAV Qaher-313 nổi tiếng.

Được truyền thông Iran gọi là một “căn cứ trên biển”, tàu Shahid Bagheri hiện có thể triển khai các tàu tên lửa cỡ nhỏ và được trang bị tên lửa hành trình cùng các vũ khí phòng vệ khác.

Những bức ảnh và video mới về Shahid Bagheri đã được công bố trong buổi lễ chính thức đưa tàu vào hoạt động của lực lượng hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Video về buổi lễ đưa tàu sân bay Shahid Bagheri vào hoạt động. Nguồn: NetEasy.

Các hình ảnh về buổi lễ được công bố bao gồm một đoạn video cho thấy một chiếc UAV Ababil-3 đã được cải tiến cất cánh từ đường băng dài 590 foot (180 mét) của tàu Shahid Bagheri, với một chiếc móc hãm phía đuôi dường như không thể thu vào hoặc giấu đi trong khi bay.

Trong một đoạn video khác, có thể thấy dường như chiếc UAV này đang móc vào một sợi cáp hãm và tiếp tục cất cánh lại trên boong tàu. Chiếc Ababil-3 còn được trang bị hai động cơ phản lực tua-bin nhỏ, hai động cơ nằm dưới mỗi cánh, giúp tăng cường tính năng khi hoạt động trên đường băng ngắn mà không cần sự hỗ trợ của máy phóng chuyên dụng.

Về bản chất, Ababil-3 là một mẫu UAV đã hoàn thiện đang được sử dụng trong quân đội Iran và các đối tác khác ở Trung Đông, bao gồm cả các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Chiếc UAV này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ giám sát, trinh sát và sử dụng các loại đạn tấn công chính xác cỡ nhỏ.

Máy bay không người lái Ababil-3 với hai động cơ tua-bin phản lực dưới cánh.
Ảnh: NetEasy.

Đoạn video cũng cho thấy những chiếc UAV điều khiển từ xa cỡ nhỏ Qaher-313 của Iran đang cất cánh và hạ cánh trên boong tàu Shahid Bagheri. Một UAV lớn hơn có cùng kiểu thiết kế với Qaher-313, cũng được nhìn thấy trên boong tàu. Có tin chưa được xác nhận nói rằng các UAV lớn và nhỏ này có kích thước lần lượt bằng 20% ​​và 60% so với mẫu Qaher-313 nguyên thủy. Cả hai máy bay đều được đánh dấu là JAS-313 và trong video, một chiếc đang được thang máy đưa lên boong tàu.

Các nguồn tin cho biết, tàu sân bay Shahid Bagheri dài 240 m, cao 21 m, đường băng dài 180 m, có thể chở nhiều biên đội UAV với các chức năng khác nhau và có thể phóng, thu hồi và vận hành nhiều loại UAV trinh sát và chiến đấu. Tàu có lượng giãn nước đầy tải khoảng 42.000 tấn, có thể cho phép các UAV cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh bằng cáp hãm. Điều này sẽ tăng cường khả năng tác chiến hải quân không đối xứng của Iran.

Tàu sân bay Shahid Bagheri nhìn từ trên không, phía sau. Ảnh: NetEasy.

Tư lệnh hải quân Iran cho biết tàu sân bay Shahid Bagheri là bước tiến quan trọng để Iran tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở các đại dương xa xôi.

Truyền thông Mỹ đánh giá như thế nào?

Truyền thông Mỹ WarZone không đánh giá cao tàu sân bay của Iran khi gọi đây là "tàu căn cứ dùng một lần trên biển", thực tế chỉ là tàu dân sự được cải tạo từ tàu chở container. Công việc cải tiến bắt đầu vào tháng 5/2022 và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 11/2024. Hiện tại, nó đã chính thức trở thành tàu sân bay dành cho UAV và bắt đầu hoạt động. Hiện nay, tàu sân bay UAV này ngày càng tiếp cận thiết kế của tàu sân bay hiện đại và không còn là "tàu căn cứ" ban đầu nữa.

Theo WarZone, trong quá trình cải tạo Iran đã giữ lại phần cấu trúc thượng tầng chính của tàu container ban đầu. Vì thiết kế cấu trúc nổi ban đầu gần như trải dài toàn bộ chiều rộng của boong tàu nên chỉ có thể áp dụng cách bố trí đường băng khác thường, điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến việc hạ cánh của máy bay. Tuy nhiên, đây chỉ là một vấn đề nhỏ vì nó là tàu sân bay UAV, không phải tàu sân bay thông thường. Máy bay trên tàu có kích thước nhỏ hơn và tốc độ hạ cánh chậm, do đó ảnh hưởng của cấu trúc thượng tầng khi hạ cánh là rất ít.

Hình ảnh các máy bay không người lái cất cánh và hạ cánh trên tàu Shahid Bagheri. Nguồn: NetEasy.

Điều thực sự gây chú ý hiện nay là đường băng của tàu này không chỉ dài tới 180 m và có sàn hẫng mà còn được trang bị cáp hãm. Có thể nhìn thấy ba dây cáp hãm, có nghĩa là UAV cánh cố định trên tàu có thể hạ cánh trực tiếp. Điều này có nghĩa là tàu Iran có thể mở rộng chủng loại và tình trạng kỹ thuật của UAV trên tàu mà không có hạn chế nghiêm ngặt về trọng lượng và kích thước.

Các video công khai cho thấy các trực thăng Bell-206 và Bell-212 do Mỹ sản xuất và trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất cũng có mặt trên tàu; ngoài trực thăng, còn có nhiều UAV trên tàu, bao gồm các UAV trinh sát và tấn công, UAV trinh sát và đặc biệt là phiên bản thu nhỏ của máy bay chiến đấu Qaher-313.

Các UAV Qaher-313 đậu trên boong tàu. Ảnh: NetEasy.

Máy bay chiến đấu Qaher-313 là máy bay chiến đấu tàng hình do Iran tự phát triển nhưng đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra còn có máy bay không người lái Ababil-3, được trang bị hai động cơ phản lực nhỏ dưới hai cánh, có thể được sử dụng để cất cánh từ tàu mà không cần sự trợ giúp của máy phóng và cũng được trang bị một móc hãm để hạ cánh. Trên boong tàu, cũng có thể thấy các loại UAV khác, bao gồm Mohajer-6, đây là mẫu máy bay khá quen thuộc. Quá trình cất cánh bằng cách “trượt cầu” cũng được trình diễn.

Hai chiếc Qaher-313 chuẩn bị cất cánh. Ảnh: QQnews.

Ngoài việc chở nhiều loại máy bay, tàu sân bay Shahid Bagheri của Iran còn có thể chở các tàu tấn công tốc độ cao. Có các cửa ở cả hai bên thân tàu và được trang bị cần cẩu có thể thả và thu hồi các tàu nhỏ, cũng có thể nâng, hạ các tàu không người lái và phương tiện dưới nước.

Trong đoạn video, Iran đã cho thấy cảnh hạ và phóng một tàu tên lửa nhỏ. Không gian bên trong tàu sân bay rất rộng, không chỉ có nhà chứa máy bay mà còn được trang bị cabin y tế và thậm chí là phòng tập thể thao với sân bóng đá cỏ nhân tạo và cột bóng rổ.

Tàu cũng được trang bị một số vũ khí và thiết bị nhất định. Có một khẩu pháo hạm ở mũi tàu, bệ phóng tên lửa được lắp đặt ở cả hai bên sàn cất cánh kiểu nhảy cầu, và cũng có bệ phóng tên lửa phía sau đảo chỉ huy. Có một khoảng trống lớn ở phía sau đảo có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả khu vực che lều. Con tàu được trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung, cũng như khả năng tác chiến điện tử và thu thập thông tin tình báo, nhưng những thông tin này không được thể hiện trong video công khai.

Các loại máy bay không người lái trên boong tàu. Ảnh: QQnews.

Thiết kế tổng thể của con tàu này khá độc đáo và điều đặc biệt nổi bật là nó có khả năng hoạt động dài ngày, có thể hoạt động liên tục 40.000 km và hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới.

Truyền thông Mỹ WarZone thừa nhận Shahid Bagheri có thể chở theo UAV hạng nặng, đây sẽ là một lợi thế vì Iran đã áp dụng chiến lược "bất đối xứng" có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho vận tải biển và tấn công vào các mục tiêu có khả năng phòng thủ yếu, dù trong thời gian ngắn.

Hơn nữa, con tàu này có thể được sử dụng như một nền tảng chiến đấu trên biển và có thể làm nhiệm vụ trong thời gian dài ở vùng biển xa mà không cần tiếp tế trên biển.

Phòng thể thao bên trong tàu. Ảnh: QQnews.

Đương nhiên, tàu Shahid Bagheri vẫn còn có nhiều vấn đề. Nó có tốc độ thấp, chỉ là một tàu dân sự được hoán cải và có mức độ bảo vệ thấp, dễ bị tấn công và phá hủy. Tuy nhiên, nó vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với Hải quân Iran. Đây là một ý tưởng độc đáo của Iran và nó cung cấp ý tưởng cho các quốc gia nhỏ khác trên thế giới phát triển chiến hạm.

Bằng cách chuyển đổi tàu dân sự thành tàu chiến đấu trên biển, chúng có thể được triển khai ở bất cứ nơi nào trên thế giới và gây ra mối đe dọa đáng kể cho Hải quân Mỹ.

Theo NetEasy, QQnews