|
Thụy Điển tuyên bố viện trợ tất cả 2 máy bay cảnh báo sớm ASC-890 họ đang có cho Ukraine (Ảnh: Guancha) |
2 máy bay cảnh báo sớm ASC-890
Ngày 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Henning Jonson đã công bố kế hoạch viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử cho Ukraine.
Gói viện trợ quân sự trị giá 13,3 tỉ kronor (hơn 1,26 tỉ USD) này không chỉ bao gồm các thiết bị thông thường như tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 đã được hoán cải thành đạn dùng cho tên lửa phòng không phóng từ mặt đất (cấu hình Thụy Điển có tên gọi RB-99), đạn pháo 155mm, xe vận tải bọc thép Pbv 302...mà còn bao gồm 2 chiếc máy bay giám sát cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) ASC-890 mà Ukraine rất cần.
Đây là lần đầu tiên Ukraine nhận được thứ mà họ coi là thiết bị giúp tăng cường sức mạnh trên không lên gấp bội. Được biết, kể từ tháng 2/2022, sau khi bùng nổ “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, Thụy Điển đã viện trợ cho Ukraine 16 đợt, tổng số 43,5 tỉ kronor (khoảng 4,12 tỉ USD).
Trang web The Drive của Mỹ ngày 29/5 tuyên bố rằng máy bay cảnh báo sớm ASC-890 do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine có cái tên quen thuộc hơn là "Erieye", người Thụy Điển gọi là S100 Argus, được phát triển dựa trên máy bay cánh quạt Saab 340 AEW-300.
Theo dữ liệu được công bố, ASC-890 có tổng chiều dài 20,3 m, tốc độ bay 300 km/h (khoảng 161,9 hải lý/giờ) và trần bay tối đa 25.000 feet (7.620 m), với phi hành đoàn gồm 3 người. Ngoài chức năng cảnh báo sớm trên không, nó còn có thể được sử dụng làm trung tâm chỉ huy.
Loại radar mảng pha chủ động được trang bị cho máy bay có thể theo dõi đồng thời tới 500 mục tiêu mặt đất và 1.000 mục tiêu trên không, ở khoảng cách 450 km.
Chính phủ Thụy Điển tuyên bố: "Điều này (việc cung cấp ASC-890) sẽ cung cấp cho Ukraine năng lực tấn công mục tiêu trên không và trên biển hoàn toàn mới. Khả năng xác định và tấn công mục tiêu từ xa của Ukraine sẽ được tăng cường". Truyền thông Ukraine tỏ ra vui mừng trước tin này và tuyên bố tính năng của ASC-890 họ sắp có vượt trội hơn loại A-50U của Nga.
Khả năng mới cho Ukraine
Các nguồn tin cho biết máy bay cảnh báo sớm ASC-890 của Thụy Điển thực hiện một số lượng lớn nhiệm vụ ở biển Baltic, chủ yếu là giám sát các hoạt động quân sự của Nga. Tuy nhiên, Thụy Điển hiện chỉ có 2 chiếc máy bay cảnh báo sớm này.
Việc chuyển giao chúng cho Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc khả năng cảnh báo trên không của Thụy Điển bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay Thụy Điển đã gia nhập NATO nên nước này có thể nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng không quân của các nước NATO khác.
Vấn đề then chốt nhất là hai máy bay cảnh báo sớm này rốt cuộc có thể giúp Ukraine ở mức độ nào? So với hệ thống radar mặt đất, radar “Erieye” của máy bay cảnh báo sớm ASC-890 có khả năng quan sát từ trên cao và không bị hạn chế về tầm nhìn địa hình, đặc biệt phù hợp để phát hiện máy bay không người lái tầm thấp và tên lửa hành trình của Nga.
Những máy bay không người lái và tên lửa hành trình này bay ở độ cao thấp và có tín hiệu yếu, gây khó khăn cho việc theo dõi và đánh chặn nếu chỉ dựa vào hệ thống radar mặt đất. Theo các báo, với sự xuất hiện của máy bay cảnh báo sớm của Thụy Điển, Ukraine sẽ có lợi thế rất lớn về nhận biết, nắm bắt chiến trường riêng ở khía cạnh này.
Do máy bay cảnh báo sớm ASC-890 được trang bị liên kết dữ liệu Link 16 theo tiêu chuẩn NATO, nên nó cũng có thể nhanh chóng truyền dữ liệu mục tiêu được phát hiện tới các hệ thống phòng không trên mặt đất do phương Tây cung cấp, từ đó lấp đầy khâu yếu quan trọng trong khả năng phòng không của Ukraine hiện nay.
Ngoài ra, máy bay cảnh báo sớm này còn có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên biển, kể cả các mục tiêu nhỏ như thuyền bơm hơi cứng ở cách xa tới 100 hải lý.
Giới chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Ukraine nhận được 2máy bay cảnh báo sớm này cũng sẽ mang lại sự trợ giúp ở mức hạn chế cho sức mạnh không quân của Ukraine.
Điều này là bởi các loại máy bay chủ lực còn sót lại của Không quân Ukraine hiện nay vẫn là các dòng máy bay chiến đấu của Liên Xô trước đây như Su-27, MiG-29 và Su-24. Chúng không được trang bị liên kết dữ liệu của NATO và có thể chỉ có khả năng phối hợp các hoạt động trên không và nhận thông tin tình báo về không phận gần đó thông qua ngôn ngữ nói.
Tuy nhiên, với việc các nước phương Tây tới đây chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, hiệu quả nhân lên sức mạnh chiến đấu của chúng sẽ có thể thực sự được hiện thực hóa. Chúng có thể phát hiện các mục tiêu trên không, xác định mức độ ưu tiên của các cuộc tấn công và sau đó bàn giao mục tiêu cho các máy bay chiến đấu để đánh chặn.
Kể cả khi sự kết hợp giữa ASC-890 và F-16 không đủ thách thức ưu thế trên không của Nga thì ít nhất nó cũng có thể gây thêm nhiều rắc rối hơn cho Nga.
Nga rõ ràng cũng hiểu rõ mối đe dọa do máy bay cảnh báo sớm trên không gây ra. Ngay từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine, nhiều loại máy bay cảnh báo sớm trên không của các nước NATO đã thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không phận gần Nga và Belarus để theo dõi động thái triển khai của quân đội Nga.
Một khi Ukraine có được máy bay cảnh báo sớm, phạm vi phát hiện của nó sẽ tiến xa hơn về phía Nga và thông tin tình báo chiến trường sẽ được truyền đến các cơ quan chỉ huy NATO trong thời gian thực thông qua các liên kết dữ liệu, điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Ukraine và NATO trong việc nắm bắt tình hình chiến trường.
Trang web The Drive cũng đề cập rằng do Nga sở hữu hàng loạt tên lửa phòng không tầm xa và tên lửa không đối không nên khả năng sống sót của máy bay cảnh báo sớm ASC-890 ở Ukraine sẽ bị thách thức.
Ví dụ, quân đội Nga có thể sử dụng chiến thuật trước đây của quân đội Ukraine, âm thầm triển khai hệ thống phòng không tầm xa ra tiền tuyến để phục kích, hoặc sử dụng tiêm kích tàng hình Su-57 phóng tên lửa không đối không tầm xa để tấn công kiểu tập kích. Vì vậy, máy bay cảnh báo sớm của Ukraine có thể phải được triển khai ở vùng cực Tây cách xa Nga và liên tục thay đổi vị trí để giảm khả năng bị tấn công.
Truyền thông Nga cho rằng ASC-890 có kích thước lớn, tốc độ chậm, phát ra tín hiệu điện từ mạnh mẽ nên có thể bị Nga phát hiện từ xa và sử dụng hệ thống phòng không tầm xa như S-500, hay tên lửa chống radar, hoặc tên lửa không đối không tầm xa để bắn hạ.
Nga cũng có thể tấn công các máy bay ASC-890 khi chúng đang hiện diện ở các sân bay trên đất Ukraine, bởi họ có nhiều loại tên lửa hành trình tầm xa hàng nghìn km, đủ sức vươn tới bất cứ mục tiêu nào. Vì vậy kể cả khi 2 chiếc máy bay ASC-890 chính thức tham chiến thì chúng cũng không thể gây ra tác động lớn đến mức quyết định cục diện trên chiến trường.
Ukraine dùng HIMARS tấn công thành phố Nga ngay sau khi được Mỹ "bật đèn xanh"
Bom lượn đa năng UMPB D-30SN - Vũ khí mới đáng sợ của Nga
Khám phá tàu không người lái đầu tiên trên thế giới có thể hoạt động cả trên mặt biển và dưới nước
Theo Guancha, China.com