Nga phóng tên lửa siêu thanh tầm trung mới
Ngày 21/11 theo giờ địa phương, Không quân Ukraine ra thông báo cho biết vào buổi sáng cùng ngày, quân đội Nga đã sử dụng nhiều loại tên lửa tấn công thành phố Dnipro. Trong số đó, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ phía nam vùng Astrakhan. Đây là lần đầu tiên Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa về phía Ukraine, khiến cuộc chiến giữa hai bên đã kéo dài 33 tháng nhanh chóng nóng lên.
Sau khi Nga thực hiện vụ phóng, Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày đã có bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc, tuyên bố rằng quân đội Nga đã phát động một đòn tấn công liên hợp với nhiều loại tên lửa vào các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Ukraine. Trong đó, quân đội Nga đã sử dụng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới có tên Oreshnik chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 như đã được đồn đoán.
Ông Putin nói tên lửa Oreshnik có thể tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, hiện tại chưa có hệ thống chống tên lửa nào có thể đánh chặn những tên lửa như vậy. Ông nói, tên lửa Oreshnik phóng lần này không mang đầu đạn hạt nhân và cảnh báo các nước phương Tây rằng nếu vũ khí do phương Tây cung cấp được sử dụng để tấn công Nga thì Nga có quyền tấn công các cơ sở quân sự của họ.
Ông Putin đã đề cập việc hai cơ sở quân sự ở khu vực Kursk và Bryansk của Nga đã bị tấn công bằng vũ khí phương Tây vào các hôm 19 và 20/11, nói Ukraine đã bắt đầu sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất để tấn công các mục tiêu ở Nga và hệ thống phòng không Nga đã đánh chặn thành công chúng.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mang tính chất toàn cầu
Ông Putin cho rằng sau khi tên lửa của phương Tây tấn công Nga, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã mang tính chất xung đột toàn cầu và tình hình càng phức tạp hơn.
Ông nhấn mạnh nếu xung đột leo thang, Nga sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng để bảo vệ an ninh quốc gia và sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Ông cũng chỉ trích việc Mỹ vào năm 2019 rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được hai Tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký ngày 8/12/1987 là một sai lầm. Ông khẳng định không phải Nga mà chính Mỹ đã phá hoại hệ thống an ninh quốc tế hiện nay.
Ông Putin cũng chỉ ra rằng Nga đang nghiên cứu phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung để đáp trả kế hoạch sản xuất và triển khai tên lửa như vậy của Mỹ ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nhấn mạnh kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẽ được quyết định bởi hành động của Mỹ và các quốc gia phụ thuộc họ.
Các cơ quan truyền thông trước đó cũng chỉ ra rằng Nga phóng tên lửa nhắm vào quân đội Ukraine rõ ràng nhằm đáp trả việc các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của quân đội Ukraine, bao gồm việc oanh kích Nga bằng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh.
Tên lửa đạn đạo là loại vũ khí tự dẫn được đẩy bằng tên lửa rơi về phía mục tiêu. Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3.000-5.500 km, ICBM có tầm bắn hơn 5.500 km.
Một quan chức Mỹ cho biết, hôm 21/11 Washington đã nhận được thông báo trước từ Moscow ít phút trước khi Nga phóng tên lửa.
Hiện nay Nga chưa công bố hình ảnh hay thông số của loại tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh mới có tên "Oreshnik" này.
Tổng thống Putin cảnh báo đáp trả các nước cung cấp vũ khí tấn công Nga
Hồi ký của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tiết lộ nỗi lo về việc Ukraine gia nhập NATO
Lộ diện tướng chỉ huy lực lượng đặc biệt Triều Tiên chiến đấu bên cạnh quân đội Nga
Theo Dongfang, Singtao