Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam.

E-magazine Khai thác dữ liệu bệnh nhân: Làm sao để phát huy hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên, Chính phủ và Bộ Y tế tổ chức một hội nghị lớn về chuyển đổi số y tế quốc gia vào 29 và 30/12 với nhiều chuyên đề sâu. Tại đây, vấn đề dữ liệu y tế số tiếp tục được đặt ra.

Tại đây, vấn đề dữ liệu y tế số tiếp tục được đặt ra, sau khi từng được đưa lên bàn làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế ngày 17/11/2020. VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam - xung quanh vấn đề này.

Điểm sáng của năm

PV: Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức hội nghị lớn về chuyển đổi số (CĐS) trong y tế, cho thấy tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của vấn đề này trong sự phát triển của đất nước. Ông đánh giá thế nào về vấn đề CĐS y tế của Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Đồng: CĐS y tế của ngành y tế là điểm sáng trong một năm mà làn sóng CĐS thâm nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế và các bộ ngành. Việc Bộ Y tế nhanh chóng đưa các thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp, phục vụ ngành y lên online và khai trương các cổng dữ liệu để công khai giá thuốc, vật tư y tế, đã mở ra cơ hội nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh trong một thị trường mà từ trước đến nay vẫn có nhiều góc khuất và gây bức xúc cho xã hội.

Dữ liệu từ hệ thống báo cáo hành chính trong ngành y, khi hoàn thành ‘số hoá’ và kết nối, cung cấp cho lãnh đạo ngành y theo ‘thời gian’ thực’ (real-time) – từng giây, từng phút, cũng giúp công tác ứng phó với bệnh dịch, hiệu quả điều hành của ngành y nâng cao – điều đó thể hiện rất rõ trong việc chống dịch COVID-19 vừa qua.

Nhưng đánh giá tổng thể, CĐS đang giới hạn trong bộ máy quản lý y tế, chứ chưa thực sự đi sâu trong toàn ngành, tức là mới ở ‘bộ máy nhà nước’ cấp bộ, cấp sở (với ứng dụng phần mềm, số hoá và kết nối thủ tục hành chính; bước đầu công khai hoá một số dữ liệu). Nhìn rộng ra bức tranh kinh tế số đang tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thập niên qua, và càng sôi động hơn trong đại dịch – thì các doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ tham gia vào ngành kinh doanh này ở Việt Nam lại khá im ắng.

Nói một cách đơn giản, là ngành y có “2 chân”, gồm “chân phải’ là khám, chữa bệnh (KCB), và ‘chân trái’ là chăm sóc sức khoẻ, thì ưu tiên của CĐS của ngành mới chú trọng vào “chân phải” và chưa có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng cho CĐS ở phần “chân trái”.

Mặc dù nhìn vào bối cảnh của ngành thì ưu tiên này là có thể hiểu được; nhưng xét về dài hạn, ngành y phải đi bằng “2 chân”, và “chân trái” cũng quan trọng không kém chân phải.

PV: Vì sao ông lại cho rằng “chân trái” là cũng rất quan trọng?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Ở tầm nhìn vĩ mô, chúng ta chưa ý thức được hết hệ quả của vấn đề già hoá dân số, mà Việt Nam có tốc độ tăng nhanh. Trong 10 năm qua, dân số trên 60 tuổi của nước ta đã tăng từ 7.45 triệu lên 11.46 triệu, tương ứng với mức 8.68% lên 11.86% dân số. Dự báo trong 20 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào nhóm nước có dân số già. Mà người già thì bệnh tuổi già; kết hợp với thu nhập và mức sống tăng, bệnh không lây nhiễm (béo phì, tiểu đường, tim mạch…) cũng tăng theo. Lúc đó gánh nặng của chăm sóc y tế sẽ tăng cao và trở thành một vấn đề lớn với đất nước.

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Muốn giải bài toán này thì chìa khoá nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ y tế số. Nếu trong KCB thì vai trò bệnh viện là quan trọng; còn trong chăm sóc sức khoẻ cá nhân thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp giải pháp chăm sóc sức khoẻ dựa trên nền tảng công nghệ số - lại rất quan trọng. Hơn nữa, ở góc độ vĩ mô, nhà nước rất cần doanh nghiệp tư nhân san sẻ gánh nặng chăm sóc y tế, vì không thể chỉ dựa vào khu vực công trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp.

Dữ liệu y tế số - tiềm năng chưa được khai thác

PV: Theo ông, hiện trạng đầu tư tư nhân và sự phát triển của doanh nghiệp start-up trên thế giới nói chung và tại Việt Nam ra sao?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Theo các số liệu nghiên cứu, chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ ở thị trường Việt Nam khoảng 15.6 tỷ đô trong năm 2018 và dự báo vẫn tăng nhanh, ở mức trung bình hơn 10% trong 10 năm tới, sẽ đạt gần 43 tỷ USD vào năm 2028. Mức độ quan tâm đầu tư của nhóm doanh nghiệp công nghệ vào y tế ở Việt Nam rất cao, nằm trong top 3 quan tâm (trên cả dịch vụ tài chính và chỉ thua thị trường giáo dục).

Tuy vậy, giá trị đầu tư thực tế, theo báo cáo của một số quỹ đầu tư, năm 2019 và 2020 lại nằm trong nhóm cuối, chỉ khoảng 13 triệu USD so với mảng thanh toán, bán lẻ; hay giáo dục (riêng nhóm giáo dục là 103 triệu USD). Ở cấp khu vực, thì số lượng start-up tại Việt Nam chỉ đạt dưới 2% trong hơn 4.000 start-up ở lĩnh vực công nghệ y tế tại châu Á.

PV: Nói vậy thì có vẻ như những người làm chính sách nói chung chưa hiểu hết thị trường công nghệ y tế số ?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Đúng vậy, tư duy chúng ta vẫn bị bó hẹp vào “bệnh viện” và “bệnh nhân”, trong khi thực thế thì thị trường y tế rộng lớn hơn rất nhiều. Tính theo giá trị đầu tư (tỷ USD) đến quý 3/2020, số liệu của CB Insight cho thấy mảng KCB chỉ chiếm 1 tỷ USD, còn các mảng khác như dữ liệu sinh trắc học là 1.2 tỷ; dịch vụ sống khoẻ là 1 tỷ; rồi những mảng khác như trao quyền cho cá nhân kiểm soát thông tin dữ liệu y tế số là 1.8 tỷ; quản lý quy trình KCB 1 tỷ…

Như vậy có một hệ sinh thái y tế số - phục vụ cho cả KCB; và cho chăm sóc sức khoẻ. Và chăm sóc sức khoẻ - với tính cá nhân hoá, phục vụ riêng từng cá nhân – thì công nghệ cực kỳ có lợi thế - với điện thoại thông minh; với thiết bị theo dõi y tế cá nhân ‘lắng nghe’ từng phút, từng giây cơ thể, sức khoẻ mỗi người và từ đó có hướng chăm sóc phù hợp.

Với tư cách là một bộ chịu trách nhiệm về sức khoẻ người dân thì có tầm nhìn và chiến lược cho việc chăm sóc y tế cá nhân là rất quan trọng, chứ không chỉ chữa bệnh, để tiến hành CĐS thực sự từ bây giờ, thì 10 năm, 20, 30 năm chúng ta mới thu được “quả ngọt” khi Việt Nam trở thành nước già.

Đất nước đứng trước bài toán rơi vào bẫy thu nhập trung bình và ‘già trước khi giàu’ thì công nghệ số, trong đó có công nghệ y tế số, là một phần lời giải cho mục tiêu Việt Nam thịnh vượng và ngành y là: người dân già – nhưng được chăm sóc y tế tốt.

Cần có khung thử nghiệm pháp lý

PV: Theo ông, vì sao hệ sinh thái y tế số và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này chậm phát triển?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Một lý do quan trọng là tính “khép kín” của ngành y, trong đó có ‘đóng’ về dữ liệu. Muốn khởi nghiệp phải tiếp cận được dữ liệu số -‘máu’ của hệ sinh thái. Hiện tại các bệnh viện, ngành bảo hiểm xã hội có rất nhiều dữ liệu, nhưng lại chưa có cơ chế nào để chia sẻ nên doanh nghiệp không thể tiếp cận được.

Tôi nghĩ khó khăn về kỹ thuật có thể nhanh chóng khắc phục được, nhưng còn 2 khó khăn thuộc về thể chế là tâm lý cát cứ dữ liệu “ngành tôi, ngành anh” và không có khung pháp lý để kết nối và mở dữ liệu cho khai thác.

Cần lưu ý thông tin về sức khoẻ là thông tin cá nhân đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Chỉ cần một vài vụ bê bối, scadal về lộ, lọt dữ liệu là niềm tin cá nhân sẽ sụp đổ và khi đó không ai muốn cung cấp dữ liệu cá nhân nữa. Hiện tại, khung pháp lý của chúng ta chưa đủ rõ ràng cho dữ liệu y tế số và hai “điểm nghẽn” trên đều thuộc về ‘nhà nước’ – mà trách nhiệm là của Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp chứ không phải doanh nghiệp.

PV: Vậy, theo ông cần làm gì để có thể khơi thông được vấn đề này?

ông Nguyễn Quang Đồng: Viện IPS chúng tôi đã kiến nghị và giới thiệu mô hình ‘sandbox’ (khung thử nghiệm pháp lý) nhằm thí điểm khai thác dữ liệu số. Chờ sửa luật, làm luật mới sẽ rất lâu, nên IPS khuyến nghị Chính phủ một ‘lối tắt’ qua sandbox: thành lập một Trung tâm dữ liệu y tế số quốc gia. Dữ liệu từ các bệnh viện; cơ sở y tế; và bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ‘đổ’ về Trung tâm quốc gia. Sau khi được làm mờ thông tin cá nhân để bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân, sẽ được cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Lộ trình trước tiên sẽ dùng dữ liệu để nghiên cứu khoa học; thử nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; ngành bảo hiểm… sau đó sẽ mở dần ra. Song song với việc thử nghiệm là tiến trình nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý cụ thể. Có làm sandbox, chúng ta mới có hy vọng đột phá. Còn không, cơ hội thực sự của CĐS y tế có lẽ sẽ không được như mong muốn.

PV: Cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)