Thông tin từ Dân trí, một đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết tại Việt Nam, sự cố cáp quang trên nhánh S9 và S1.7 của tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) đã được khắc phục xong vào 22 giờ ngày 27/6/2020.
Trước đó, ngày 4/6 và 7/6, các sự cố trên các tuyến cáp AAE-1 và AAG cũng được khắc phục xong. Hệ thống cáp quang biển Liên Á (IA) cũng hoàn tất bảo dưỡng định kỳ vào ngày 25/6.
Tính đến thời điểm hiện nay, các sự cố xảy ra trên cả 3 tuyến cáp biển tính từ cuối tháng 4/2020 đã được khắc phục xong, bao gồm AAE-1, AAG và APG. Trong đó, tuyến cáp biển APG là một trong những tuyến cáp quang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Hiện kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của nhiều nhà mạng Việt Nam, gồm: VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom. Tuyến cáp này được đánh giá là có đường truyền ổn định với dung lượng lớn cho người dùng.
Gần đây nhất, tuyến cáp biển APG bị đứt trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Singapore vào ngày 30/4/2020 và lặp lại sự cố trên đoạn S1.7 hướng đi Hong Kong (Trung Quốc) vào sáng 23/5, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này.
Việt Nam chuẩn bị đón nhận 2 tuyến cáp quang biển mới. Trong đó, tuyến đầu tiên là Southeast Asia Japan 2 (SJC2) có tổng dung lượng băng thông 144 Tb/giây, thời gian dự kiến hoàn thành là cuối năm 2021. Tuyến cáp này dài 10.500km, với 11 điểm cập bờ tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số điểm tại Đài Loan, Nhật Bản.
Tuyến thứ 2 chưa có tên, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2022, có băng thông lên tới 140 Tb/giây, lớn hơn rất nhiều so với các tuyến cáp sẵn có như AAG (2.88 Tb/giây), AAE-1 (40 Tb/giây), APG (54 Tb/giây), chủ yếu truyền dẫn dữ liệu từ khu vực Đông Nam Á và Đông Á.