“Khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”

VietTimes – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết như vậy trong Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam với Chính phủ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh Corona tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản.

Kịch bản 1: Nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Kịch bản 2: Nếu dịch Corona được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, trong đó quý I tăng 6,52%; quý II tăng 6,65%; quý III tăng 7,11%; quý IV tăng 6,81%.

“Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”, báo cáo viết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá có 3 lĩnh vực bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh: Lĩnh vực xuất, nhập khẩu; Lĩnh vực du lịch; Lĩnh vực vận tải.

Ước tính quý I đạt kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm lần lượt 21% hoặc 20%, trong quý 1 hoặc quý 2, tương ứng với 2 kịch bản. Với kim ngạch nhập khẩu, tương ứng là 13% hoặc 16%.

Dĩ nhiên, bị ảnh hưởng lớn nhất là với thị trường Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn nhất, xuất khẩu lớn bậc nhất của Việt Nam và cũng là tâm dịch Corona.

Với lĩnh vực du lịch, dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Nên biết, tính toán này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có phần nhẹ hơn ước tính của Tổng cục Du lịch. Chiều qua 6/2, Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố ước tính thiệt hại vì virus corona trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9 – 7,7 tỷ USD.

Với lĩnh vực vận tải, “vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Corona gây ra” – Bộ KH&ĐT đánh giá. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1 tháng 2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý I (và chỉ tăng 3,5% trong quý II theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II).

Báo cáo sơ bộ của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; Sản xuất công nghiệp; Lĩnh vực đầu tư; Các lĩnh vực xã hội.

Ông lớn FDI lo ngay ngáy!

LG thông tin nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.

Formosa: việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hàng nghìn người Trung Quốc làm việc cho Dự án Formosa, dự kiến sau 15/2/2020 mới đươc phép vào Việt Nam; Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, tuy nhiên sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng tiếp tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam.

Nguồn nhân công cho nhiều dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam giảm do rất nhiều cán bộ, kĩ sư, chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam khi có các hạn chế đi lại từ các lệnh cấm bay./.