Tân Hoa xã ngày 3/3 cho rằng, sự nghiệp hàng không vũ trụ phát triển như thế nào sẽ thể hiện rõ được sự phát triển tiến bộ của một quốc gia. Nhân kỳ họp "Lưỡng hội" Trung Quốc, các đại biểu và chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc đã tiết lộ một số "việc lớn" của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc trong năm 2017.
Tàu vũ trụ Thiên Châu-1 thử nghiệm "tiếp dầu" lần đầu tiên
Tháng 4/2017, "nhân viên chuyển phát nhanh" đầu tiên Thiên Châu-1 của Trung Quốc sẽ được phóng từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Ông Bao Vi Dân, ủy viên Chính hiệp, người đứng đầu bộ phận khoa học kỹ thuật, Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, Thiên Châu-1 là tàu vũ trụ chở hàng đóng kín hoàn toàn do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, kết cấu hai khoang, trọng lượng cất cánh 13 tấn, có thể chở 6 tấn vật tư.
Thiên Châu-1 chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng cho thí nghiệm không gian, nhiên liệu, thiết bị và dụng cụ sửa chữa, thiết bị thử nghiệm, đồng thời sẽ chuyển về những phế liệu từ một số trạm không gian.
Sứ mệnh quan trọng nhất của Thiên Châu-1 là tiến hành kết nối với tàu vũ trụ Thiên Cung-2 để "tiếp dầu" cho Thiên Cung-2 ở trong không gian vũ trụ, triển khai thử nghiệm các công nghệ như sửa chữa và bổ sung nhiên liệu trên quỹ đạo. Đây là lần thử nghiệm quy mô lớn cuối cùng Trung Quốc tiến hành trên vũ trụ trước khi xây dựng trạm không gian.
Thường Nga-5 lấy mẫu đất từ Mặt Trăng
Thường Nga-5 là tàu vũ trụ có độ khó lớn nhất, nhiệm vụ phức tạp nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo cho đến nay. Theo kế hoạch, Thường Nga-5 sẽ được phóng từ bãi phóng Văn Xương, Trung Quốc trước cuối tháng 11/2017.
Ông Diệp Bồi Kiến, ủy viên Chính hiệp, Cố vấn Kiến trúc sư trưởng kiêm Tổng chỉ huy vệ tinh do thám Mặt Trăng, Viện 5, Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, tàu vũ trụ Thường Nga-5 trọng lượng 8,2 tấn, sẽ thực hiện "4 cái lần đầu tiên" của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc cho đến nay, bao gồm:
Lần đầu tiên tự động lấy mẫu từ Mặt Trăng; lần đầu tiên "cất cánh" từ Mặt Trăng; lần đầu tiên tiến hành kết nối tự động trên quỹ đạo Mặt Trăng ngoài 380.000 km; lần đầu tiên đưa mẫu đất từ Mặt Trăng về Trái Đất khi tiếp cận tốc độ vũ trụ thứ hai.
Nếu tiến triển thuận lợi, toàn bộ quá trình sẽ được hoàn thành trong vòng 1 tháng, trong năm 2017 sẽ có thể mang theo 2 kg đất được lấy từ Mặt Trăng mang về Trái Đất. "Khi đó, mục tiêu giai đoạn 3 trong thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc đã được hoàn thành toàn bộ" - ông Diệp Bồi Kiến nói.
Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu
Năm nay, hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu Trung Quốc cũng có động thái lớn. Cụm vệ tinh Bắc Đẩu-3 có kế hoạch tiến hành phóng lần đầu tiên vào tháng 7/2017. Năm nay, Bắc Đẩu-3 có kế hoạch phóng 6 - 8 chiếc, sẽ phóng theo mô hình "1 tên lửa, 2 vệ tinh".
Theo giới thiệu của ông Bao Vi Dân, khu vực phủ sóng của Bắc Đẩu-3 sẽ từ 1/3 toàn cầu của Bắc Đẩu-2 mở rộng tới toàn cầu. Tính năng vệ tinh cũng tăng mạnh, tuổi thọ vệ tinh lên tới 12 năm.
Hệ thống Bắc Đẩu-3 đã được thiết kế với các chức năng được tích hợp như truyền tín hiệu giữa các vệ tinh, truyền tín hiệu với mặt đất, bảo đảm kết nối giữa trạm mặt đất với các vệ tinh trên quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp.
Sau khi phóng 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu thế hệ mới vào năm 2016, hiện nay Trung Quốc đã có 22 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu hoạt động trên quỹ đạo, trong đó có 7 vệ tinh thế hệ mới.
6 vệ tinh mới hỗ trợ kết nối mạng trên máy bay, đường sắt cao tốc
Năm 2017, Trung Quốc có kế hoạch phóng 6 vệ tinh thông tin trong đó có Thực Tiễn-13, Thực Tiễn-18, Trung Tinh-9A, Trung Tinh-9C, từ đó tiếp tục nâng cấp công nghệ vệ tinh thông tin của Trung Quốc.
Ông Vương Mẫn, Phó Trưởng phòng vệ tinh thông tin, Viện 5, Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, tháng 4/2017, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thông tin thông lượng cao Thực Tiễn-13 (hay còn gọi là Trung Tinh-16).
Vệ tinh này lần đầu tiên ứng dụng các công nghệ trên quỹ đạo cao như thông tin laser và đẩy điện, tổng dung lượng thông tin đạt 20G trở lên, vượt tổng dung lượng của tất cả các vệ tinh thông tin trước đây của Trung Quốc.
Tháng 6, Trung Quốc có kế hoạch phóng vệ tinh Thực Tiễn-18 trọng lượng cất cánh 7 tấn, có thể sánh ngang với vệ tinh thông tin tiên tiến nhất trên thế giới.
Vương Mẫn cho biết trong tương lai, để kết nối mạng Internet thông suốt, thưởng thức các chương trình siêu nét 4K trên máy bay và đường sắt cao tốc, con người phải dựa vào vệ tinh thông tin thông lượng cao.
Vệ tinh canh gác cuộc sống của con người
Năm 2017, Trung Quốc sẽ lần lượt phóng một lô vệ tinh mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và có kỹ năng mới. Chúng sử dụng những "ánh sao" của mình để canh gác cho cuộc sống hạnh phúc của con người trên Trái Đất.
Dòng vệ tinh khí tượng hứa hẹn sẽ có thêm thành viên; vệ tinh kính viễn vọng điểu chỉnh tia X cứng dự tính sẽ phóng trong năm nay; vệ tinh thử nghiệm giám sát điện từ đầu tiên Trương Hoành-1 dự tính phóng vào nửa cuối năm 2017, sẽ đưa Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất sở hữu vệ tinh thử nghiệm giám sát động đất tải trọng lớn và độ chính xác cao vận hành trên quỹ đạo.
Đồng thời, ngành hàng không vũ trụ thương mại Trung Quốc cũng phát triển nhanh. Năm 2017, vệ tinh viễn thám thương mại tỷ lệ phân giải cao lớp 0,5 m được đặt tên là Cao Cảnh-5 của Trung Quốc sẽ có 2 chiếc mới, sau đó 4 vệ tinh viễn thám quang học tỷ lệ phân giải cao 0,5 m trên quỹ đạo sẽ hoàn thành xây dựng mạng lưới, hàng ngày quan sát một lần bất cứ địa điểm nào trên Trái Đất.
Năm nay, vệ tinh thử nghiệm công nghệ đầu tiên thuộc "công trình" Hồng Vân của Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng sẽ được phóng. Sau khi xây dựng thành công "công trình" này, con người có thể được hỗ trợ kết nối mạng ở bất cứ ngõ ngách nào trên thế giới.
Tên lửa đẩy dòng Trường Chinh phóng 28 lần trong năm
Năm 2017, nhiệm vụ phóng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, tên lửa đẩy dòng Trường Chinh có kế hoạch phóng 28 lần trong năm.
Ông Đàm Vĩnh Hoa, đại biểu Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ, Viện 6, Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết sau khi động cơ dầu ô-xi lỏng và động cơ hydro của Trung Quốc đẩy thành công tên lửa đẩy thế hệ mới Trường Chinh-6, Trường Chinh-7, Trường Chinh-5 lần lượt phóng lên lần đầu tiên vào các năm 2015 và 2016, tên lửa đẩy Trường Chinh-5 và Trường Chinh-7 năm nay sẽ tiếp tục được phóng để thực hiện nhiệm vụ mới.
Nhiều đại biểu Chính hiệp, Quốc hội Trung Quốc cho biết, các vụ phóng thành công trước đó đã tạo nền tảng tốt cho tên lửa đất thế hệ mới của Trung Quốc. Đặc biệt, nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-1 và tàu vũ trụ Thường Nga-5 sẽ đưa tên lửa đẩy thế hệ mới vào giai đoạn ứng dụng công trình, hai vụ phóng này sẽ rất đáng trông đợi.