Truyền thông Italy đưa tin Hội đồng Đại khu (vùng) Lombardia (còn gọi là Bologna) - khu vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất ở Bắc Italy đã không còn đề cập đến “tình nghĩa anh em”, mà lên kế hoạch đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường 20 tỷ euro.
Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 5/5, báo La Repubblica đưa tin, ông Attilio Fontana, Trưởng vùng Bologna đã chính thức xác nhận, Hội đồng vùng đã đề xuất một hành động pháp lý để yêu cầu sự bồi thường từ chính phủ Trung Quốc. Ông Fontana cho rằng phải để toàn thế giới hiểu rằng nếu một quốc gia xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng như vậy mà che giấu với bên ngoài, thì thái độ đó là rất sai trái.
Ông Paolo Grimoldi, Tổng thư ký Hội đồng vùng Bologna, cũng nói rằng Mỹ, Australia, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác đã có những hành động pháp lý đòi bồi thường tương tự đối với Trung Quốc; chỉ có đảng cầm quyền ở Italy do theo đường lối thân Trung Quốc nên giữ im lặng; vì vậy Đại khu hành chính (vùng) Bologna sẽ đi đầu trong hành động gửi yêu cầu bồi thường tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy.
Đại dịch COVID-19 khiến Italy thiệt hại nặng nề về kinh tế, trong đó có ngành du lịch (Ảnh: AP).
|
Tờ Milano Today cũng đăng bài viết, hình ảnh miền Bắc Italy và Trung Quốc chung tay chiến đấu chống lại dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn sau hơn 40 ngày. Tình nghĩa anh em và nụ cười không còn được nhắc đến nữa, nay chính quyền vùng yêu cầu bồi thường Trung Quốc bồi thường 20 tỷ euro.
Là quốc gia bị dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở châu Âu, chính phủ Italy đã tuyên bố đóng cửa các địa phương ở miền bắc nước này từ ngày 9/3. Tính đến ngày 5/5, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Vũ Hán, 213.013 người đã bị nhiễm bệnh, khiến 29.315 người bị tử vong.
Cho rằng bị ảnh hưởng do Trung Quốc che giấu dịch bệnh, từ ngày 21/4 Italy đã lập một trang web thu thập chữ kí cho một vụ kiện tập thể đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường. Kế hoạch này dự kiến thu thập hơn 500 ngàn chữ kí và tìm kiếm tiến hành vụ kiện chung với phía Mỹ, đòi Trung Quốc bồi thường hơn 100 tỷ euro.
Hiệp hội tiêu dùng của Italy đang đi tiên phong trong việc khởi kiện Trung Quốc (Ảnh JFDaily).
|
Khởi xướng kế hoạch này là tổ chức phi lợi nhuận Oneurope đã đi đầu trong hành động đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường. Ông Ferdinando Perone, người phụ trách kế hoạch này, nói rằng theo Quy ước Y tế Quốc tế, bất kỳ quốc gia nào khi có dịch bệnh lớn phải thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới trong vòng 24 giờ; nhưng chính phủ Trung Quốc đã không thực hiện điều này, vì vậy trách nhiệm của họ là rất rõ ràng.
Theo hãng thông tấn Adnkronos, trang web khiếu nại Trung Quốc này mở tại địa chỉ https://www.covid19classaction.it bắt đầu hoạt động từ vào ngày 21/4. Ông Ferdinando Perone nói rằng trang web này có kế hoạch đóng lại vào tháng 5 và tiến hành hành động tố tụng pháp lý vào tháng 6. Ông ước tính rằng hơn 500.000 người sẽ tham gia kí tên và số tiền đòi Trung Quốc bồi thường có thể vượt quá 100 tỷ euro.
Ngoài ra, cũng theo hãng tin Adnkronos, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Italy (Codacons) cũng đang xem xét đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội, ông Carlo Rienzi bày tỏ, do pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng của Italy chưa hoàn chỉnh, nên họ đang nghiên cứu cùng với các công ty luật của Mỹ và dự định đệ đơn kiện tại Mỹ để cả thế giới có thể tham gia.
Bản tin trích dẫn tin tức của Il sole 24 Ore, tờ báo kinh doanh lớn nhất của Italy cho biết một khách sạn bốn sao Hotel De La Poste gần hai trăm tuổi ở Cortina d 'Ampezzo, một khu trượt tuyết nổi tiếng ở miền Bắc Italy cũng đã đã đệ đơn lên tòa án tối cao Italy kiện Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia (Bộ Y tế) Trung Quốc đòi bồi thường.
Khách sạn 4 sao Hotel De La Poste kiện Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc đòi bồi thường (Ảnh: JFDaily).
|
Theo văn bản khiếu kiện của khách sạn Hotel De La Poste, chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn thông báo về dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dẫn đến một dịch bệnh nghiêm trọng lây lan ở miền bắc Italy. Vòng chung kết Giải vô dịch World Cup Trượt tuyết dự kiến sẽ được tổ chức tại Cortina d 'Ampezzo vào tháng 3 đã bị hủy bỏ, chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo các báo, hành động tố tụng pháp lý của Italy đối với chính phủ Trung Quốc đòi bồi thường vẫn còn ở giai đoạn bước đầu, nhưng đã rất sôi động ở các nước Âu Mỹ khác. Ví dụ, Hiệp hội Henry Jackson Society ở Anh đã công bố bản báo cáo dài 44 trang phân tích chi tiết cơ sở pháp lý để đệ đơn kiện Bắc Kinh đòi bồi thường dịch bệnh. Bang Missouri ở Mỹ cũng đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc đòi bồi thường.
Thông tấn xã CNA cho biết, làn sóng đòi Trung Quốc bồi thường thậm chí đã lan sang Ấn Độ. Một luật sư tại Mumbai, ông Ashish Sohani gần đây đã gửi đơn tới Tòa án Hình sự Quốc tế kiện một số quan chức Trung Quốc che giấu dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về cuộc sống và kinh tế toàn cầu, yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường cho người dân và chính phủ Ấn Độ 2,5 nghìn tỷ USD. Luật sư Suhani nói, hành vi che giấu dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc là “sự phản bội toàn nhân loại”.