Ngày 27-6 vừa qua, đề cập đến vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, Đại sứ Syria tại Moscow Riad Haddad cho biết, trong thời gian qua, Moscow và Damascus đã không gián đoạn việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự.
Ông Haddad ghi nhận sự hợp tác giữa hai nước trong cả vấn đề ngăn chặn hoạt động tuyển mộ người Nga vào hàng ngũ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Đồng thời cho biết, sự giúp đỡ của Nga trong lĩnh vực quân sự là vô cùng quý báu đối với nước này.
"Nga cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và quân sự đầy đủ, tuân thủ các hợp đồng đã ký giữa hai nước. Hỗ trợ quân sự của Nga đối với quân đội Syria gồm có cả hoạt động đào tạo và các khía cạnh khác" - ông Haddad nói trong cuộc phỏng vấn với hãng Interfax.
Theo lời ông, "Nga có lập trường rõ ràng kể từ đầu cuộc khủng hoảng Syria là ủng hộ chính phủ và quân đội Syria cũng như sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân Syria". Những nỗ lực của cả 2 bên đã xây dựng sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự.
Đại sứ Syria tại Moscow nhấn mạnh, “Nga dành cho Syria tất cả những gì cần thiết”. Tuy ông từ chối cung cấp thông tin cụ thể về loại hình trang bị mà Nga cung cấp cho nước này, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, rất có thể nó liên quan đến các hệ thống phòng không S-300 PMU2.
Vào thời điểm nguy cơ Syria bị Mỹ tấn công bằng tên lửa hành trình đang lơ lửng trên đầu vào năm 2013, nước này đã nhận được một phần cấu kiện của tổ hợp tên lửa phòng không này nhưng còn thiếu một số bộ phận khác để hình thành năng lực tác chiến đầy đủ.
Vào đầu tháng 9-2013, Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga “vẫn chưa hoàn thành” hợp đồng xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300 PMU-2 cho Syria. Giới phân tích quân sự đánh giá, câu nói này của ông Putin cho thấy là hợp đồng đã được chuyển giao một phần, chứ chưa phải là toàn bộ.
Khi đó, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới TSAMTO cho rằng, nếu chỉ thực hiện hợp đồng được một vài phần đầu, chưa bàn giao tổng thể hệ thống thì người mua sẽ không thể liên kết các tổ hợp đã nhận lại với nhau, dẫn đến kể cả có thiết bị phóng và tên lửa thì hệ thống cũng không hoạt động được.
Thế nhưng, vào thời điểm hiện nay, khi cuộc khủng hoảng Syria đã được giải quyết nhờ sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” của Nga, cùng với việc Moscow cũng vừa gỡ bỏ những hạn chế trong hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran, rất có thể Damascus đã được nước này cung cấp đầy đủ các linh kiện cho hệ thống phòng không tiên tiến S-300 PMU2.
Được biết, trong thời gian qua, Israel đã rất tức giận khi Moscow nối lại việc cung cấp các hệ thống S-300 cho Tehran. Bởi vậy, những tuyên bố “mập mờ” của Đại sứ Syria tại Nga có thể sẽ lại khiến Tel Avip đau đầu, bởi nước này luôn coi Syria và Iran là 2 “mối đe dọa đối với hòa bình Trung Đông”.
Theo: An ninh Thủ đô