Theo bức ảnh vệ tinh của ISI, đến nay, ba trong 4 xe phóng S-300 dường như đang hoạt động, đã dựng các thùng phóng, nhưng xe thứ tư vẫn đang phủ bạt gần thị trấn trọng điểm Masyaf trên vùng nông thôn phía tây tỉnh Hama.
Ảnh bên phải chụp ngày 05.02.2019, so sánh với bức chụp ảnh ngày 19.02.2019, cho thấy đây vẫn là 3 hệ thống phóng được phòng không quân đội Syria đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đâu, với sự chỉ đạo và huấn luyện của các cố vấn Nga.
Sau bức ảnh đầu tiên được ISI công bố, nguồn tin từ quân đội Syria thông báo với Al-Masdar News, lực lượng phòng không hiện đang vẫn được tập huấn nghiêm ngặt trước khi có thể sử dụng hệ thống phòng không hiện đại S-300.
Cuộc tấn công của Không quân Israel gần đây ghi nhận, quân đội Syria không sử dụng hệ thống S-300 và có thể sẽ không sử dụng trong thời gian sau này. Điều này làm dấy lên hàng loạt nghi vấn? Tại sao S-300 không được sử dụng trong khi các tổ hợp phòng không khác từ S-125 đến Pantsir-1S được sử dụng liên tục, thậm chí có nhiều thông tin cho rằng 2 tổ hợp Pantsir của Syria đã bị Israel phá hủy.
Một nguồn tin Israel cho rằng trình độ của quân nhân Syria rất kém, đến mức không thể nắm được tính năng kỹ chiến thuật và phương thức sử dụng S-300. Nhưng rõ ràng lực lượng phòng không Syria sử dụng khá thành thạo từ S-125 đến Pantsir-S1. Do đó 6 tháng huấn luyện là thừa thời gian cho 1 lữ đoàn phòng không nắm bắt kỹ thuật tác chiến.
Những bức ảnh công khai của ISI về S-300 cho thấy không có biến động nhiều về tổ hợp này. Điều đó khiến những người quan tâm đặt câu hỏi, vì sao không có biến động trong hai khoảng thời gian? Đây là S-300 thật hay sản phẩm nghi binh đánh lừa địch để chờ đợi một cuộc không kích quy mô lớn có sự tham gia của F-35 - nhằm phá hủy thần tượng của không quân thế hệ 5 phương Tây? Những vụ không kích của Israel có ý nghĩa gì? Có thực sự gây tổn thất nặng nề cho phòng không và hạ tầng Syria hay không? Hiện đang tồn tại nhiều nghi ngờ về hệ thống S-300. Nhưng điểm chắc chắn là tần suất tập kích đường không của Israel hiện đã giảm rõ rệt.