Theo AFP, con tin Tomislav Salopek bị bắt cóc hồi tháng trước tại phía tây Cairo, thủ đô Ai Cập.
Tuần trước, IS ra tối hậu thư có thời hạn 48 giờ, kết thúc vào ngày 7-8, rằng chúng sẽ giết Salopek nếu chính quyền Ai Cập không trả tự do cho các tù nhân là nữ giới theo đạo Hồi.
Bức hình chụp một thi thể được đăng trên tài khoản Twitter của IS với chú thích: “Xử tử tù nhân từ Croatia, nước đã tham gia vào cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo, sau khi hạn chót trôi qua”.
Nạn nhân làSalopek, 31 tuổi, có hai con, từng làm việc cho công ty Pháp CGG trước khi bị bắt cóc ở một địa điểm cách trung tâm Cairo khoảng 22 km.
Vụ bắt cóc làm chấn động cộng đồng người nước ngoài làm việc cho các công ty đa quốc gia tại Ai Cập và cho thấy vòi bạch tuộc của IS vươn xa tới mức nào bất chấp chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo tại Syria và Iraq.
Chính quyền Ai Cập cho biết đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm anh Salopek sau khi IS tung lên mạng một đoạn video quay hình ảnhanh nàyhồi tuần trước.
Một trung tâm Hồi giáo Sunni ở Cairo là Al-Azhar đã lên án vụ chặt đầu man rợ này.
“Vụ sát hại con tin người Croatia là hành vi của quỷ dữ, không có liên quan gì đến tôn giáo và truyền thống”- Al-Azhar khẳng định.
Dù chi nhánh của IS tại Ai Cập đã sát hại hàng trăm cảnh sát và binh sĩ, nhưng nước này chưa phải đối mặt với làn sóng bắt cóc và hành quyết con tin người nước ngoài giống như ở Iraq và Syria. Do đó, vụ bắt cóc và hành quyết con tin Salopek khiến cả Ai Cập chấn động.
Trước đó, cha của Salopek từng kêu gọi IS trả tự do cho anh. Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic cũng đến Cairo để thảo luận với chính quyền Ai Cập về nỗ lực giải cứu anh. Ở quê nhà, hàng xóm của Salopek mô tả anh là một người dễ mến, thân thiện, đến Ai Cập chỉ để kiếm sống.
Chính quyền Ai Cập của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi thời gian qua đã rất nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng đất nước này là an toàn đối với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Do đó, vụ bắt cóc và hành quyết Salopek đang đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư nước ngoài tại Ai Cập.
NGUYỆT PHƯƠNG theo Tuổi Trẻ