Iraq lên án và cảnh báo hậu quả các cuộc không kích của Mỹ

VietTimes -- Iraq đã lên án các cuộc không kích mà Mỹ thực hiện trong đêm ngày 13/3, khiến 6 người chết đồng thời cảnh báo hậu quả nguy hiểm vì đã vi phạm chủ quyền và nhắm mục tiêu xâm lược chống lại lực lượng vũ trang chính quy của quốc gia.
Đống đổ nát sau cuộc không kích do Mỹ thực hiện (Ảnh: Reuters)
Đống đổ nát sau cuộc không kích do Mỹ thực hiện (Ảnh: Reuters)

Bộ Ngoại giao Iraq tuyên bố sẽ khiếu nại lên Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Mỹ bảo vệ các cuộc không kích, cho rằng cả 5 mục tiêu mà họ nhằm vào đều hợp pháp và vũ khí Iran cung cấp đã được lực lượng dân quân Kataib Hezbollah sử dụng để tấn công liên minh do Mỹ đứng đầu. Hành động này của Washington nhằm trả đũa một cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 11/3 tại một căn cứ ở phía Bắc Baghdad, khiến nhiều binh lính Mỹ và Anh thiệt mạng.

Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ, cho biết: “Những địa điểm mà chúng tôi tấn công là những địa điểm rõ ràng của các căn cứ khủng bố.”

Quân đội Iraq cảnh báo các cuộc không kích sẽ để lại hậu quả trong khi Bộ Ngoại giao cho biết đã triệu tập các đại sứ Mỹ và Anh.

Xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Iraq trong những tháng gần đây, làm căng thẳng sâu sắc giữa các thành phần của xã hội Iraq, những người phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ và những người coi liên minh do Mỹ đứng đầu là cần thiết để ngăn chặn sự hồi sinh của các nhà hoạt động Nhà nước Hồi giáo.

Bộ chỉ huy các chiến dịch chung của Iraq cho biết: “Việc viện cớ rằng cuộc tấn công này là một phản ứng trước sự xâm lược nhắm vào căn cứ Taji là một điều sai lầm; một trong những điều đó dẫn đến sự leo thang căng thẳng mà không đưa ra được giải pháp nào.”

Thống kê sơ bộ đã có 3 binh sĩ, 2cảnh sát và 1 thường dân thiệt mạng; ngoài ra có 4 binh sĩ, 2 cảnh sát, 1 thường dân và 5 dân quân bị thương.

Những người dân thường thiệt mạng và bị thương là những công nhân tại một công trường xây dựng sân bay ở thành phố Hồi giáo linh thiêng Kerbala, nhà chức trách tôn giáo Iraq cho biết.

Tướng McKenzie thừa nhận rằng một khu vực gần sân bay Kerbala đã bị tấn công, nhưng đó là vì nó đang được sử dụng để lưu trữ vũ khí. Ông cho rằng đó là một mục tiêu rất rõ ràng.

Khoảng 5.000 lính Mỹ vẫn đồn trú ở Iraq, một phần của liên minh quốc tế rộng lớn hơn được thành lập để giúp Iraq đẩy lùi và đánh bại phiến quân IS.

Nhưng quân đội Iraq cho biết cuộc không kích mới đây của Mỹ đã đi ngược lại bất kỳ mối quan hệ đối tác nào trong liên minh. Đây sẽ là hậu quả khiến mọi người phải đối mặt với những nguy hiểm nghiêm trọng nhất.

Bộ Ngoại giao Iran khẳng định "sự hiện diện và hành động" của Mỹ cùng các lực lượng đồng minh ở Iraq là để đổ lỗi cho phía Tehran đã thực hiện các cuộc tấn công.

Các nhóm bán quân sự được Iran hậu thuẫn đã thường xuyên bắn phá và pháo kích vào các căn cứ ở Iraq, nơi đồn trú của lực lượng Mỹ và khu vực xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad.

Nhiều người Iraq nói rằng họ là những người phải chịu đựng nhiều nhất từ mối quan hệ căng thẳng Mỹ -Iran và một số người, trong đó có cả Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, đã kêu gọi quân đội Mỹ rút quân.

Tướng McKenzie thì tin rằng Mỹ nên giữ quân đồn trú ở Iraq. Ông nói thêm rằng mặc dù các cuộc tấn công mới nhất của Mỹ sẽ ngăn cản các nhóm dân quân thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tương tự, thì nguy cơ từ Iran và các nhóm mà họ ủng hộ vẫn rất cao. “Tôi nghĩ rằng những căng thẳng đã không thực sự giảm”, ông McKenzie nói.

Nghị viện Iraq đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tất cả quân đội nước ngoài rời đi sau khi tướng Soleimani bị sát hại.

Iraq đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, các lệnh trừng phạt và xung đột giáo phái. Iraq cũng đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn do chống chính phủ, đã khiến gần 500 người thiệt mạng kể từ ngày 1/10/2019 và cũng phải đối mặt với một khoảng trống quyền lực chưa từng có sau khi ông Abdul Mahdi từ bỏ hầu hết các nhiệm vụ của mình và người kế nhiệm được chỉ định thì đã rút khỏi vị trí ứng cử.