Internet Việt Nam: Cước rẻ nhưng tốc độ chậm

Giá cước 3G tại Việt Nam nằm trong nhóm đắt đỏ nếu quy theo thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, tính theo giá gói, 3G tại Việt Nam rẻ hơn so với mặt bằng khu vực.
Internet Việt Nam: Cước rẻ nhưng tốc độ chậm

Thường xuyên đi công tác nước ngoài, anh Ngô Văn Sơn (Quận 3, TP HCM) có trong tay bộ sưu tập SIM 3G của nhiều nước. "Đến bất cứ đâu, việc đầu tiên của mình là mua gói kết nối Internet ở sân bay". Theo anh Sơn, một gói để dùng được một tuần (dung lượng từ 1 đến 3 GB), người dùng phải bỏ ra từ 300.000 đến hơn 1 triệu đồng. Đơn cử, gói 1 GB tại Thái Lan giá gần 300.000 đồng, Đài Loan tới gần 600.000 đồng, ở Đức, Singapore, Mỹ có thể xấp xỉ 1 triệu đồng. Một số quốc gia hỗ trợ ưu tiên cho khách du lịch, nhưng giá rẻ hơn không đáng kể.

Giá cao hơn nhưng theo anh Sơn, tốc độ kết nối 3G ở nhiều quốc gia nhanh hơn tại Việt Nam: "Ngay cả khi bạn dùng hết gói cước, chuyển sang kết nối tốc độ chậm, vẫn có thể lướt web, gửi mail khi di chuyển". Anh này cho rằng, nhiều nhà mạng trong nước bóp băng thông, khi xuống tốc độ chậm không thể làm gì được, phải bỏ tiền mua gói mới nếu muốn online bình thường.

Trong một sự kiện CNTT cuối 2013, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiết lộ, giá cước Internet của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thế giới, chỉ bằng khoảng 60% so với giá thành.

Đến 2015, khi chuẩn bị hạ tầng viễn thông để triển khai mạng 4G LTE, một chuyên gia trong ngành tiết lộ Việt Nam vẫn chưa kịp thu hồi vốn đầu tư vào 3G vì giá cước lâu nay còn thấp. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam chậm có 4G, đi sau nhiều nước.

Mặc dù vậy, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Viễn thông quốc tế (ITU), giá cước 3G trả trước tại Việt Nam tính theo thu nhập đầu người hiện nằm trong nhóm đắt đỏ của thế giới.

Internet Việt Nam: Cước rẻ nhưng tốc độ chậm ảnh 1

Tương quan giá cước 3G của Việt Nam với một số nước trong khu vực.

Nói một cách đơn giản, người Việt có thu nhập thấp nhưng bỏ ra nhiều tiền để kết nối Internet, trong khi với các nước phát triển, số tiền bỏ ra cao hơn, nhưng không đáng là bao so với túi tiền của người dân.

Để có được xếp hạng này, ITU căn cứ mức giá cước tính theo % thu nhập quốc dân (% GNI), bằng cách lấy giá cước trên mỗi 500 MB chia cho thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, cước 3G tại Việt Nam chiếm khoảng 7,31% thu nhập, cao hơn nhiều so với trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,28% thu nhập). Trong khi đó, top 50 nước phát triển có giá 3G chỉ dao động trong khoảng 0,09% - 1% thu nhập.

Tại Việt Nam, các nhà mạng trong nước bán 600 MB lưu lượng 3G tốc độ cao với giá khoảng 70.000 đồng, tương đương 3,1 USD, rẻ hơn Indonesia khi người dân nước này phải bỏ ra 3,37 USD. Tại Thái Lan, giá gói này lên đến 8,33 USD, gần gấp ba lần so với Việt Nam. Tại Singapore, một quốc gia khác cùng ở khu vực Đông Nam Á, gói cước 500 MB có giá lên đến 11,84 USD, nhưng bù lại, đây là 4G.

Internet Việt Nam: Cước rẻ nhưng tốc độ chậm ảnh 2

Tốc độ kết nối Internet Việt Nam trong nhóm chậm. Ảnh: Reuters.

Khác với câu chuyện 3G, giá cước Internet cố định tại Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới. Theo xếp hạng của ITU, Việt Nam đứng thứ 66/181. Nếu chia theo đầu người, giá Internet cố định chỉ chiếm 2% thu nhập người Việt, rẻ hơn so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia. Giá cước Internet cố định trung bình của châu Á là 38,5 USD (khoảng 875.000 đồng), cao gần gấp ba lần so với gói cước thấp nhất tại Việt Nam.

Dù rẻ nhưng tốc độ Internet cố định ở Việt Nam không thuộc nhóm nhanh. Báo cáo về tốc độ kết nối mạng giữa các quốc gia của Akamai cho thấy, Việt Nam xếp thứ 51 trong 55 địa điểm khảo sát. Theo đó, tốc độ trung bình ở Việt Nam là 2,5 Mb/giây, nằm dưới mức chung của thế giới là 3,9 Mb/giây. Nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bắc Âu đã đạt trên 10 Mb/giây.

Bên cạnh đó, Internet trong nước cũng thường xuyên chập chờn do nhiều yếu tố. Nổi bật trong đó là cáp quang gặp sự cố, một số thời điểm kéo dài tới hàng tuần. Nhiều người than phiền, đứt cáp, gián đoạn kết nối nhưng các nhà cung cấp không có động thái trừ tiền thuê bao. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc chọn các đường truyền giá rẻ kết nối với quốc tế.

Theo Zing