|
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong bài phát biểu tại ĐH Georgetown (Ảnh: AP) |
Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mới cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái đang tăng dần, và điều kiện hiện nay có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine, các thảm họa khí hậu và chính sách thắt chặt tài khóa ở nhiều nền kinh tế.
Bà Georgieva đã đưa ra một viễn cảnh ảm đạm trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown, trước khi lãnh đạo các ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Tài chính các nước nhóm họp tại Washington D.C vào tuần tới.
IMF dự kiến sẽ giảm mức dự báo đà tăng trưởng toàn cầu vào tuần tới, lần thứ tư kể từ tháng 10 năm ngoái, từ mức 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm 2023. Bà Georgieva nói rằng thế giới đang có nguy cơ thiệt hại 4 nghìn tỉ USD giá trị sản lượng vào năm 2026 – tương đương với qua mô nền kinh tế Đức.
Các quốc gia đóng góp gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với ít nhất là 2 quý có tăng trưởng thu hẹp trong năm nay hoặc năm sau. Hơn 60% các nước có thu nhập thấp có khả năng rơi vào, hoặc có nguy cơ rơi vào, tình trạng căng thẳng về nợ công.
Giá nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh đã gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đẩy hàng triệu người vào chỗ thiếu đói và ảnh hưởng tới thành tựu xóa đói giảm nghèo mà thế giới đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua.
“Đây là bước ngoặt kịch tính nhất mà tôi từng chứng kiến trong suốt 69 năm,” bà Georgieva nói, nhấn mạnh rằng bà đã từng trải qua đợt siêu lạm phát khiến cho khoản tiền tiết kiệm của mẹ mình biến mất chỉ trong 48 giờ đồng hồ ở Bulgaria.
Bước ngoặt này bao gồm một sự chuyển dịch cơ bản, từ một giai đoạn có tính bất ổn thấp cùng lãi suất thấp sang một giai đoạn nguy cơ dễ đổ vỡ kinh tế cao, các cuộc đối đầu địa chính trị và thảm họa thiên nhiên khiến cho hệ thống tài chính toàn cầu dễ đổ vỡ. Nguy cơ là: những thời kỳ cực kỳ bất ổn dần trở thành thực tế mới, bà Georgieva nói.
Bà cũng đưa ra lời kêu gọi cho các nhà hoạch định chính sách: Tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, hoặc nó sẽ trở thành tình trạng dai dẳng và khiến các nước phải thắt chặt tài khóa sâu hơn. Lời cảnh báo này cũng đồng nhất với các quan chức Fed, những người đã dội gáo nước lạnh vào sự lạc quan của thị trường, và kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể sớm hạ lãi suất.
Bà Georgieva cũng nhấn mạnh rằng, các nước trên thế giới cần phải tập trung hơn vào việc hỗ trợ tài chính để giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, sử dụng các biện pháp kiểm soát giá năng lượng hiệu quả.
Bài phát biểu của bà được đưa ra ngay giữa lúc các nhà hoạch định chính sách ở Anh đang vấp phải sự phản đối từ thị trường do kế hoạch cắt giảm thuế, và trong lúc ngân hàng trung ương nước này đang chật vật kiềm chế lạm phát. “Trong khi chính sách tiền tệ đang đạp phanh, các bạn không nên có một chính sách tài khóa nhấn ga,” bà Georgieva nói.
Bà Georgieva cũng kêu gọi các nước chung tay hỗ trợ các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi trước sự trỗi dậy của đồng USD, chi phí vay mượn tăng cao và dòng vốn ra – gây tác động tiêu cực tới những quốc gia có khoản nợ lớn bằng đồng USD. Các thị trường mới nổi đối mặt với mức tăng 40% nguy cơ dòng vốn ra trong 3 quý sắp tới, làm tăng rủi ro khủng hoảng nợ, và có thể tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu, ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính toàn cầu.
Trong lúc kêu gọi các chủ nợ như Trung Quốc và khu vực tư nhân tích cực tái cấu trúc nợ với các quốc gia đang gặp khó khăn, bà nói rằng IMF đã triển khai 300 tỉ USD trong số 1 nghìn tỉ USD của mình để hỗ trợ các nước này. Bà Georgieva cũng nhấn mạnh về các biện pháp giảm nợ mới đây giữa Trung Quốc và Zambia như một bước đi đúng hướng.
Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo các nước đang ở vị trí mạnh mẽ hơn rằng: Trong lúc tỷ lệ nghèo đang tăng, nguy cơ về tình trạng di cư và mất an ninh cũng tăng theo./.
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang gần kề nhưng cũng đừng quên 'bom nợ' ở các nước đang phát triển
Suy thoái toàn cầu cận kề? Thêm nhiều cảnh báo mới
Có thực kinh tế Mỹ đã suy thoái (?!) Một góc nhìn khác...
Theo Barron's