Huyền thoại đầu tư Warren Buffett tiết lộ 4 triết lý đắt giá trong bức thư gửi cổ đông

Mỗi năm, các giám đốc điều hành của các công ty niêm yết đều soạn thảo thư gửi cổ đông, tóm tắt hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo kết quả tài chính, những thành công và thất bại lớn, cũng như triển vọng trong tương lai.

Tỷ phú, nhà đầu tư Warren Buffett. Ảnh: Newsweek.
Tỷ phú, nhà đầu tư Warren Buffett. Ảnh: Newsweek.

Nhưng có lẽ không bức thư nào được mong đợi hơn lá thư thường niên của tỷ phú Warren Buffett gửi cổ đông của công ty Berkshire Hathaway. Các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp luôn tìm kiếm trong đó những gợi ý về tình hình kinh tế và chiến lược tài chính.

Tuy nhiên, lá thư này thường chứa đựng cả những bài học quan trọng về kinh doanh – và cả cuộc sống.

Trong bức thư mới nhất được công bố vào ngày 22/2, ông Buffett viết: “Ngoài những dữ liệu bắt buộc, chúng tôi tin rằng mình có trách nhiệm chia sẻ thêm với các bạn về những gì mình sở hữu và cách chúng tôi suy nghĩ”.

Sai lầm là điều tất yếu. Hãy thừa nhận và sửa chữa trước khi quá muộn

Ông Buffett cho biết trong suốt những năm qua, ông đã mắc nhiều sai lầm.

Một số sai lầm đến từ việc đánh giá sai "tương lai kinh tế" của những công ty mà ông mua lại cho Berkshire Hathaway. Những sai lầm khác đến từ việc tuyển dụng sai người – hoặc đánh giá không chính xác khả năng và lòng trung thành của họ đối với tổ chức.

Từ năm 2019 đến 2023, ông đã sử dụng cụm từ “sai lầm” hoặc “lỗi lầm” 16 lần trong các lá thư thường niên của mình.

Điều ông nhấn mạnh là sai lầm là một phần bình thường của kinh doanh. Nhưng: “Tội lỗi lớn nhất là trì hoãn việc sửa chữa sai lầm”.

Hiểu về sức mạnh của một "quyết định thắng lợi duy nhất"

Theo Buffett, hệ quả tất yếu của việc thừa nhận sai lầm chính là nhận ra sức mạnh của những thành công lớn.

“Trải nghiệm của chúng tôi cho thấy chỉ một quyết định đúng đắn cũng có thể tạo ra sự khác biệt ngoạn mục theo thời gian”, ông viết.

Ông lấy ví dụ từ những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử của công ty Berkshire Hathaway – như thương vụ mua lại GEICO, quyết định đưa cựu chuyên gia tư vấn McKinsey, ông Ajit Jain, vào ban lãnh đạo, và đặc biệt là việc tìm thấy ông Charlie Munger, người bạn thân và cộng sự lâu năm, người đã giữ chức Phó Chủ tịch tập đoàn suốt hơn 4 thập kỷ.

“Sai lầm rồi cũng bị lãng quên; nhưng những thành công có thể nở rộ mãi mãi”, ông nói.

Đừng đánh giá ứng viên dựa trên bằng cấp

Khi lựa chọn Giám đốc điều hành (CEO), Buffett có một nguyên tắc: "Tôi chưa bao giờ quan tâm đến trường học mà ứng viên theo học. Chưa bao giờ!".

Ông lấy ví dụ về ông Pete Liegl, nhà sáng lập và quản lý công ty sản xuất xe RV Forest River, doanh nghiệp được Berkshire Hathaway mua lại vào năm 2005. Trong 19 năm sau đó, Buffett cho biết ông Liegl đã vượt xa các đối thủ trong ngành.

“Có những nhà quản lý xuất sắc xuất thân từ các trường danh tiếng. Nhưng cũng có rất nhiều người, như Pete, đạt được thành công dù theo học ở một ngôi trường ít tên tuổi hơn, hoặc thậm chí không hoàn thành việc học đại học”, ông nói.

Ông kết luận rằng "tài năng kinh doanh phần lớn là bẩm sinh, trong đó yếu tố thiên phú quan trọng hơn giáo dục".

Hãy tiếp tục tiết kiệm

Buffett tin rằng văn hóa tiết kiệm và tái đầu tư lâu đời chính là chìa khóa cho sự thành công của chủ nghĩa tư bản Mỹ.

Kể từ khi đất nước hình thành, “Chúng ta cần nhiều người Mỹ kiên trì tiết kiệm, và cần những người tiết kiệm đó hoặc những người khác biết cách sử dụng vốn một cách khôn ngoan”.

Ông cho rằng nếu nước Mỹ tiêu dùng toàn bộ những gì sản xuất ra, nền kinh tế sẽ chỉ “dậm chân tại chỗ”.

Tương tự, các cổ đông của Berkshire Hathaway đã “tham gia vào phép màu kinh tế của nước Mỹ” bằng cách tái đầu tư cổ tức thay vì tiêu xài nó.

Để đảm bảo người dân tiếp tục tiết kiệm và đất nước phát triển, ông Buffett gửi một lời nhắn nhủ đến các nhà hoạch định chính sách: “Đừng bao giờ quên rằng chúng ta cần các bạn duy trì một đồng tiền ổn định, và điều đó đòi hỏi sự khôn ngoan cùng tinh thần cảnh giác”.