CTCP Hestia (Mã CK: HSA) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 (EGM 2023), dự kiến tổ chức vào ngày 20/10/2023.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng dự kiến được HĐQT HSA trình cổ đông thông qua là phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, HSA dự kiến phát hành 18,06 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần lũy kế đến 31/12/2022, tương đương tỉ lệ 229%. Thương vụ có thể giúp HSA tăng vốn điều lệ gấp 3,2 lần, từ mức 78,7 tỉ đồng lên 259,3 tỉ đồng.
Cổ đông lớn nhất của HSA hiện nay là ông Lã Giang Trung – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc HSA. Ông Trung cũng được biết đến là Tổng giám đốc CTCP Passion Investment – công ty chuyên tư vấn đầu tư chứng khoán.
Theo báo cáo quản trị bán niên năm 2023, ông Lã Giang Trung đang nắm giữ hơn 4,78 triệu cổ phiếu HSA, tương đương 60,74% vốn điều lệ. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình ông Giang nắm giữ tổng cộng 902.414 cổ phiếu HSA, chiếm 11,46% vốn.
Tuy nhiên, trong tháng 10/2023, người nhà CEO HSA đã bán ra gần hết số cổ phiếu trên, với cùng mục đích “phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân”.
Cụ thể, ông Chu Ngọc Thắng và bà Nguyễn Thị Phương Nha (bố mẹ vợ ông Trung) lần lượt bán ra 364.677 cổ phiếu (chiếm 4,63%) và 389.391 cổ phiếu (chiếm 4,95%). Ông Lã Trung Hiếu – em trai ông Trung – bán 148.400 cổ phiếu HSA vào ngày 13/10.
Ngoài ra, từ ngày 13/10 – 27/10/2023, bà Trần Phương Dung – thành viên HĐQT HSA – cũng bán ra toàn bộ 714.400 cổ phiếu, tương đương 9,07% vốn điều lệ của HSA.
Tại EGM 2023, cổ đông của HSA sẽ thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Trần Phương Dung, đồng thời tiến hành bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT, nâng tổng số lượng thành viên HĐQT lên 5 người.
Ngoài ra, EGM 2023 của HSA còn dự kiến thông qua loạt tờ trình khác như đổi tên và địa chỉ trụ sở chính, thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang “bán buôn thực phẩm” và bổ sung loạt ngành nghề kinh doanh liên quan tới lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Cùng với đó, HĐQT HSA dự trình EGM 2023 phương án mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Dầu thực vật Tân Bình, Công ty TNHH Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao Triều Phát, CTCP Thảo mộc xanh Cao Nguyên, CTCP Trần Quang Gia Lai; nhận chuyển nhượng 20% cổ phần của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang; góp 19,8 tỉ đồng thành lập CTCP Giống Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ sở hữu 99% vốn điều lệ.
Dấu ấn CEO Lã Giang Trung
Thành lập tháng 2/2014, HSA hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, chủ yếu là kinh doanh chứng khoán. Từ khi thành lập đến nay, công ty này gần như không phát sinh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Năm 2022, HSA ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 3,84 tỉ đồng (trong đó lãi kinh doanh chứng khoán đạt 2,66 tỉ đồng), giảm 90,8% so với năm trước.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HSA đạt 287,5 tỉ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm tới 98,7%, đạt 284 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có 196,9 tỉ đồng là phải thu dài hạn liên quan tới hai hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa HSA và ông Lã Giang Trung được ký vào tháng 4/2019 và tháng 7/2020 với mục đích đầu tư kinh doanh. Thời hạn hợp tác là 8 năm.
Ngoài ra, HSA còn ghi nhận 86,7 tỉ đồng phải thu ngắn hạn từ các cổ đông của công ty (66 cổ đông). Đây là các khoản cho vay không lãi suất, được bảo đảm bằng chính cổ phần của HSA.
Sinh năm 1981, ông Lã Giang Trung tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và thạc sỹ chuyên ngành tài chính tại Đại học Monash, Úc.
Ông Trung có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính tại thị trường Việt Nam, từng làm việc tại nhiều công ty chứng khoán trong nước như SBS, VNS và giữ chức Giám đốc khối cổ phiếu tại Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt./.