HoREA: 1.900 tỷ tiền sử dụng đất chưa nộp, nên "gọi tên" là thuế sử dụng đất

VietTimes -- Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), việc có sắc thuế sử dụng đất sẽ vừa minh bạch vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho; hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, trong 10 tháng qua, đã có 80 dự án nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 10.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 40 dự án chưa nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 1.900 tỉ đồng.

HoREA cho biết, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí vì không bị điều chỉnh bởi Luật Thuế, Luật Phí và lệ phí nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua do yếu kém về cơ chế, bất cập và thiếu minh bạch trong chính sách đấu giá đất, đấu giá dự án, đã tạo nhiều kẽ hở cho doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất. Điều này khiến các nghĩa vụ của doanh nghiệp bị đẩy sang vai của người mua nhà, ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của khách hàng.

Ngoài ra, HoREA còn nhấn mạnh việc có kẽ hở trong chậm nộp hoặc không nộp tiền sử dụng đất của doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án BĐS là ẩn số, không minh bạch, vì đây là môi trường tạo ra cơ chế xin-cho và ẩn chứa tiêu cực.

Để thị trường BĐS vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, HoREA đề nghị, về dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế.

HoREA đề nghị bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất cần cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng.

Kết quả xác định số tiền sử dụng đất hợp lý được doanh nghiệp tâm phục khẩu phục và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.

Trước những bất cập của chính sách và cơ chế xác định tiền thuế sử dụng đất có khả năng gây tác động xấu đến người mua nhà, HoREA cũng đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất phải có sự tham gia của tư vấn xác định giá đất độc lập, khách quan để xác định giá đất chính xác.

Tránh lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tình trạng móc ngoặt của doanh nghiệp và chính quyền.

Ngoài ra, HoREA đề nghị bãi bỏ cơ chế đấu thầu chỉ chọn đơn vị chào thầu với giá thấp nhất được trúng thầu; thay thế bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi với tiêu chí chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu nhằm nâng cao chất lượng nhà đầu tư dự án.

Đồng thời, ngăn chặn những doanh nghiệp nợ thuế tiền sử dụng đất phát triển dự án, gây ảnh hưởng đến người mua nhà và thị trường.

Trước đó, tháng 6.2016, lãnh đạo thành phố đã làm việc với HoREA và đã giao cho Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thực hiện quy trình xác định tiền sử dụng đất dự án mà doanh nghiệp phải nộp. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa cải thiện được nhiều.

trong 10 tháng qua, TP.HCM có 80 dự án nộp 10.500 tỷ đồng tiền sử dụng và còn 40 dự án chưa nộp tiền sử dụng đất với khoảng 1.900 tỉ đồng.
trong 10 tháng qua, TP.HCM có 80 dự án nộp 10.500 tỷ đồng tiền sử dụng và còn 40 dự án chưa nộp tiền sử dụng đất với khoảng 1.900 tỉ đồng.