Hợp đồng bảo hiểm vẫn nặng về bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sáng nay, 13/9, tại Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Sáng 13/9, tại phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là một trong những luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ những vấn đề cần sửa đổi bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có việc, Luật hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: Quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)

Dự Luật sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia; phân chia các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Dự kiến, sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022), luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Thẩm tra Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn. Đồng thời, không quy định quá chi tiết, cụ thể những nội dung có thể có biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.

Thảo luận phiên họp, các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự luật đã được Bộ Tài chính soạn thảo sớm, các cơ quan của Quốc hội cũng vào cuộc từ rất sớm; hồ sơ đầy đủ, dự án luật công phu.

Đánh giá thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng thế giới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “sau khi ban hành luật sửa đổi này có tạo ra một cú hích để thị trường phát triển mạnh hơn không là điều rất quan trọng". Do đó, đề nghị ngoài những nội dung mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của cơ quan Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời cũng phải tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nhận xét còn rất chung chung khi dự luật quy định: Nhà nước có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hợp tác quốc tế trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả; Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Chủ tịch Quốc hội nêu băn khoăn: “6 chính sách nêu ở Điều 5 còn mang tính khẩu hiệu nhiều lắm, ban hành xong thì 6 nội dung này vẫn nằm trên luật, chứ không vào tỉnh, thành, bộ, ngành nào đâu”.

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lại hợp đồng dân sự. Chủ tịch Quốc hội nói: “Lần góp ý trước, chúng tôi cảm giác hợp đồng bảo hiểm này mới nặng về bảo vệ lợi ích, rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm, còn người thụ hưởng, người đi mua chưa được chú trọng đúng mức”. Đồng thời đề nghị, trong hợp đồng bảo hiểm một mặt cần xem xét tính tương thích của hợp đồng dân sự, mặt khác phải tính toán cân bằng lợi ích giữa các bên.

Về sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự luật và nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua, một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp