Hơn 7.264 bệnh nhân COVID-19, TP.HCM chuẩn bị phương án 15.000 giường điều trị COVID-19

VietTimes – Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có hơn 7.264 bệnh nhân COVID-19, còn tiếp tục phát hiện nhiều ổ dịch mới với tốc độ lây lan cực mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Thành ủy. Ảnh: Khang Minh

Trên 7.264 ca nhiễm và còn tăng với nhiều ổ dịch

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, từ ngày 27/4 đến 18g00 ngày 06/7, TP.HCM có 6.994 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Trong bản tin sáng 7/7, Bộ Y tế công bố thêm 270 ca bệnh (BN22072-BN22341) ghi nhận tại TP.HCM, gồm 232 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 38 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến hôm nay 7/7, TP.HCM có 7.264 bệnh nhân.

Từ 06 giờ 00 ngày 04/7 đến 06 giờ 00 ngày 06/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận 461 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 108 trường hợp trong khu phong tỏa, 166 trường hợp trong khu cách ly, 02 trường hợp cách ly tại nhà, 07 trường hợp phát hiện khi tầm soát cộng đồng, 105 trường hợp tầm soát sàng lọc tại bệnh viện, 73 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin. Hiện đang điều trị 279 bệnh nhân nặng tại 09 bệnh viện, trong đó có 06 trường hợp cần can thiệp ECMO.

TP tiếp tục phát hiện nhiều ổ dịch mới rất nóng, với tốc độ lây nhiễm cực nhanh. Theo Sở Y tế TP.HCM, ổ dịch Trại tạm giam Chí Hoà vừa được phát hiện đã có 81 ca nhiễm, bao gồm 44 cán bộ và 36 phạm nhân, ngoài ra, còn có một số ổ dịch khác có số ca mắc tăng cao rất nhanh.

Lấy mẫu xét nghiệm 5 triệu cư dân TP.HCM - Ảnh: HCDC

Ổ dịch chợ Vườn Chuối, quận 3 phát sinh từ ngày 3-6 với 4 ca chỉ điểm qua tầm soát bệnh nhân tại Bệnh viện quận 3 (2 ca), phòng khám Nhân Hậu (1 ca) và 1 ca tầm soát trong cộng đồng. Đến nay ổ dịch chợ Vườn Chuối đã xác định có 101 ca mắc, đều là những người sinh sống, bán hàng trong chợ Vườn Chuối, Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Ổ dịch tại Công ty NIDEC SANKYO - Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) phát sinh ngày 28-6 qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Từ đó phát hiện thêm 138 trường hợp là nhân viên làm tại công ty, tổng cộng có 142 trường hợp xác định tính đến ngày 4-7.

Chuẩn bị phương án điều trị 15.000 ca bệnh

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM, lãnh đạo TP đã đưa ra quyết định triển khai Kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh. Theo đó phân tuyến 03 cấp điều trị theo mô hình tháp 03 tầng của Bộ Y tế, cấp không triệu chứng (Bệnh viện Dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (Bệnh viện điều trị COVID-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (Bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế đã chuyển đổi công năng của 2 chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) và phường An Khánh (TP Thủ Đức) làm Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2.

Với quy mô 2.500 giường, từ ngày 5-7, chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) chính thức tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 vào điều trị.

Chung cư này có 2 block, gồm 10 tầng. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là người được phân công điều phối thiết lập bệnh viện.

Chung cư tại phường An Khánh (TP Thủ Đức) với tổng diện tích 38,4 ha quy mô 10.000 - 15.000 giường điều trị đang được chuẩn bị các phương án về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có tất cả 13 bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19.


Từ ngày 5-7, chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) chính thức tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vào điều trị - Ảnh- H.L

Trước đó Sở Y tế TP.HCM đã quyết định trưng dụng thêm 2 Bệnh viện Dã chiến có quy mô 5.000 giường bao gồm KTX của Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh của ĐH Quốc gia TP.HCM và KTX khu A của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ 26/5 đến hết ngày 05/7/2021, TP.HCM đã lấy 1.688.287 mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...) Bao gồm: Tiếp xúc gần (F1): 29.297 mẫu (28.194 mẫu âm tính, 1.103 mẫu chờ kết quả); Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 224.446 mẫu (200.905 âm tính, 23.541 đang chờ kết quả); Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 1.434.544 mẫu (1.136.430 mẫu âm tính, 298.114 mẫu chờ kết quả.

Sau 4 đợt tiêm vaccine, tổng số lượt người đã được tiêm ngừa COVID-19 là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Ngừng triệt để các cơ sở hoạt động không thiết yếu; những địa điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu nhưng nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng phải tạm dừng hoạt động. Không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc, khám chữa bệnh cấp cứu. Hạn chế sự lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác nhằm tránh sự lây lan mầm bệnh giữa các nơi. Công nhân làm việc ở khu công nghiệp nào thì ở tại địa phương đó.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Nguồn: Báo Chính phủ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều tối 6/7. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Theo quyết định của Thủ tướng, cử hai Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại TP.HCM, gồm có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.

Nhận định tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng trong những ngày tới. Phạm vi không chỉ trong TPHCM mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận. TP.HCM cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, không để thời gian giãn cách kéo dài và chấm dứt hẳn dịch bệnh.