Hơn 60% người dùng Việt Nam mua hàng online, đứng thứ 13 toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đây là tín hiệu tích cực cho cả người dùng và thương hiệu, vừa đảm bảo sản phẩm giá rẻ đến tận tay người tiêu dùng, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp - CEO Adsota Đặng Phú Vinh trao đổi với VietTimes.

vt_ Đặng Phú Vinh CEO Adsota.jpg
Ông Đặng Phú Vinh chia sẻ về lượng người mua sắm trực tuyến và tỷ trọng ngành bán lẻ tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Báo cáo thị trường thường niên Repota 2023: Chuyển dịch xu hướng Marketing và kiến tạo hướng đi mới do Adsota chỉ ra quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt 16.4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hơn 60% người dùng Việt Nam mua hàng online, đứng thứ 13 toàn cầu.

Con số này ở Trung Quốc là 61,9% - đứng thứ 9 toàn cầu và ở Hàn Quốc là 65.6% - đứng thứ 2 toàn cầu chỉ sau Thái Lan.

Đại diện Adsota cho rằng, đây là tín hiệu tích cực trước bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường như lạm phát gia tăng, suy thoái rõ rệt, người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải trang bị những giải pháp dự phòng linh hoạt để xuôi theo dòng chảy thị trường, bắt kịp xu hướng và tối ưu kết quả mang lại cho thương hiệu.

Trong năm 2022, Việt Nam có đến 74,8% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến, hầu hết trong số họ đều mua sắm đa kênh. Trong đó, các sàn thương mại điện tử chiếm 78%, mạng xã hội chiếm 42% và các ứng dụng điện thoại chiếm 47%. Đặc biệt, 80% marketer cho biết người dùng có xu hướng mua sắm trực tiếp qua mạng xã hội thay vì website hoặc bên thứ ba.

Nền tảng bán hàng được người dùng ưa chuộng nhất.png
Các nền tảng bán hàng được người dùng ưa chuộng nhất.

Cùng thói quen mua sắm đa kênh, người dùng ngày nay có khuynh hướng yêu thích những trải nghiệm mới lạ, giải trí, tạo cảm hứng thay vì chỉ đơn thuần là mua hàng.

Nghiên cứu được khảo sát trong khu vực APAC về hoạt động mua sắm giải trí chỉ ra rằng 82% khách hàng sẵn sàng mua sắm sản phẩm từ một thương hiệu mà họ hiếm khi sử dụng sau khi xem video giới thiệu trên nền tảng Tiktok. Ngoài ra, 1/3 người dùng mong muốn trải nghiệm hành trình mua sắm kết hợp yếu tố giải trí, thư giãn.

Ảnh 2. Người dùng có khuynh hướng đưa ra quyết định mua hàng kết hợp yếu tố giải trí.png
Người dùng có khuynh hướng đưa ra quyết định mua hàng kết hợp yếu tố giải trí. (Khảo sát trong khu vực APAC về hoạt động mua sắm giải trí của khách hàng)

Ông Đặng Phú Vinh cũng thông tin, bên cạnh sự dịch chuyển trong sở thích mua sắm của người tiêu dùng chính là xu hướng D2C (Direct-to-Customer), bán hàng trực tiếp không qua trung gian nở rộ mạnh mẽ, vừa đảm bảo sản phẩm giá rẻ đến tận tay người tiêu dùng, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp hiện nay.

Người Việt bắt đầu chú trọng vào giá trị bền vững

Báo cáo 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%).

Tuy nhiên, trước những xáo trộn của cuộc sống, môi trường và xã hội, người dùng hiện nay vẫn khao khát bồi dưỡng, tích lũy những giá trị thực mang tính bền vững. Trong đó, 28% người Việt dự định đầu tư vào bản thân bằng việc nâng cấp kiến thức, rèn luyện sức khỏe thể chất và tâm hồn của họ. Con số này cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở toàn Đông Nam Á.
Adsota nhận định, khi con người dần chú trọng bản thân, đề cao những giá trị chân thật cũng là lúc thương hiệu cần nhìn nhận mục tiêu tiếp thị theo hướng mới mẻ, gần gũi, đề cao những gì chân thật nhất./.