|
Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý) |
Thông tin trên được ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - đưa ra tại hội nghị chuyển đối số trong lĩnh vực y tế nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2020 diễn ra vào sáng nay (15/12).
Xây dựng phác đồ điều trị bằng phần mềm hiện đại
Theo ông Nguyễn Trường Nam, phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư - IBM Watson for Oncology đã được Cục Công nghệ thông tin đã thẩm định. Phần mềm được Mỹ đã thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phòng, chống ung thư.
Phần mềm có thể tổng hợp hàng nghìn mẫu bệnh phẩm khác nhau, được các chuyên gia hàng đầu xây dựng thành phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị ung thư. Thực tế, khi bệnh nhân đến bệnh viện để khám bệnh, các chẩn đoán của bác sĩ sẽ được đưa vào phần mềm để phần mềm phân tích dấu hiệu bệnh và xây dựng phác đồ điều trị.
Từ năm 2018, phần mềm đã được triển khai thí điểm ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ và đã đạt được những hiệu quả bước đầu trong việc đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có tổng cộng 3 bệnh viện triển khai phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn điều trị ung thư gồm: Bệnh viện Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
|
Theo ông Nam, nhiều bệnh nhân bị ung thư đã có phác đồ điều trị hiệu quả nhờ phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư (Ảnh: Minh Thuý) |
Sau khi phần mềm được triển khai, 200 người bệnh bị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng đã được điều trị với một phác đồ hoàn toàn mới ở Bệnh viện K. Điển hình là trường hợp của anh T., sống ở Phú Thọ đang điều trị ung thư (bệnh nhân không tiết lộ bản thân mắc bệnh ung thư gì) ở Bệnh viện K.
Ông Nam cho hay: Trong quá trình điều trị, bệnh tình của bệnh nhân vẫn không hề thuyên giảm và đạt kết quả như mong muốn. Vì thế, gia đình đã bày tỏ ý định đưa anh về nhà để chăm sóc ở nhà. Tình cờ, anh T. biết được thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang triển khai thí điểm phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn điều trị ung thư nên anh đã tới Bệnh viện để tham gia thử nghiệm phần mềm.
Dựa trên các dữ liệu của anh T., thông qua hệ thống xử lý thông tin của phần mềm, các bác sĩ đã đưa ra một phác đồ điều trị hoàn toàn mới. Sau khi điều trị theo phác đồ mới, bệnh tình của bệnh nhân đã tiến triển, đạt kết quả tốt.
Cùng với Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng phần mềm với 229 người bệnh bị ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Còn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thử nghiệm phần mềm và đưa ra chẩn đoán điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư Đại trực tràng, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng.
Như vậy, hơn 500 người bị ung thư trên toàn quốc đã được điều trị với phác đồ mới, hiệu quả nhờ phần mềm phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư.
Đang thiếu hụt dữ liệu bệnh nhân ung thư
Theo Bộ Y tế, phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư có thể hỗ trợ điều trị tổng cộng 13 loại ung thư khác nhau gồm: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư nội mạc tử cung và ung thư thực quản.
|
Phần mềm hỗ trợ điều trị tới 13 loại bệnh ung thư (Ảnh: Cục CNTT - BYT) |
Mặc dù phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh bị ung thư nhưng dữ liệu mẫu của phần mềm đang bị thiếu hụt, cần bổ sung.
Thực tế, hầu hết dữ liệu mẫu của phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư đều là của người Mỹ. Về cơ bản, dữ liệu của người bệnh đều giống nhau nhưng cơ địa giữa người Mỹ và người Việt là khác nhau. Vì thế, phần mềm vẫn thiếu thông tin, dữ liệu để chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người dân. Do đó, sắp tới, các đơn vị sẽ chú trọng việc bổ sung dữ liệu bệnh nhân mắc ung thư vào phần mềm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, một số phương pháp trong điều trị ung thư như xạ trị, hoá trị,… còn là "con dao 2 lưỡi" – mặc dù phương pháp này tiêu diệt tế bào ung thư nhưng để lại nhiều hậu quả gây ảnh hưởng tới sức khoẻ bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ cần đặc biệt chú ý để đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh.
Có thể thấy, sau gần 2 năm phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, điều trị ung thư chính thức được thẩm định và đưa vào sử dụng, người bệnh đã được hỗ trợ tối đa trong quá trình điều trị ung thư, được chẩn đoán bệnh chính xác, tăng khả năng chữa khỏi căn bệnh “nan y”. Không chỉ vậy, các bác sĩ còn nâng cao được khả năng chẩn đoán bệnh, rút kinh nghiệm từ thực tế bệnh tình của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, tăng năng suất và hiệu quả của công việc.