|
HÌnh minh họa |
Theo quy định tại Nghị định 115/2018, các Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm sẽ bị xử phạt với mức cao hơn so với trước.
Chẳng hạn, theo điều 4 của nghị định, thì sẽ phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;
b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
Việc tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 115/2018 được xem là cần thiết để siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm chịu điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, việc tăng mức xử phạt cũng đồng nghĩa với tính răn đe cao hơn, nhưng vẫn chưa đảm bảo ngăn chặn được các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là việc sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Quan điểm chuyên gia cho rằng, do lực lượng, phương tiện, thiết bị và ngay hệ thống quy định giám sát an toàn thực phẩm còn thiếu, yếu khiến việc ngăn chặn vẫn chưa đạt kỳ vọng như mong muốn. Do đó, việc chỉ xử phạt khi phát hiện có thể vẫn chưa đủ tính răn đe các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.