Hồi phục mạnh, liệu giá dầu có thể tăng đến 100 USD/thùng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giá dầu thô trên thế giới tăng tốt từ tháng 5/2021, khác hẳn với năm ngoái. Liệu giá dầu có thể đạt đến ngưỡng 100 USD/thùng như các 'traders' mong đợi hay không?
Giá dầu liệu có thể đạt đến mức 100 USD/thùng trong năm sau?
Giá dầu liệu có thể đạt đến mức 100 USD/thùng trong năm sau?

Một năm trước, đại dịch COVID-19 đã khiến các chuyến bay đã bị hủy, nhiều người phải làm việc tại nhà, nhiều công xưởng phải ngưng dây chuyền sản xuất. Nhu cầu đi lại và nền kinh tế 'đóng băng' khiến nhu cầu về dầu mỏ đột ngột sụt giảm nghiêm trọng.

Dù cầu giảm nhưng nguồn cung không thể cắt giảm tương ứng ngay lập tức, cộng thêm “cuộc chiến giảm giá dầu” gay gắt giữa Nga và Ả Rập Saudi, khiến giá dầu thế giới lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm vào tháng Tư 2020. Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng Năm rơi xuống mức kỷ lục - 40,32 USD/thùng.

Giá dầu leo thang mạnh

Giá dầu âm dấy lên cảnh báo về “cái chết của dầu mỏ”, cùng với triển vọng kinh tế kém lạc quan, khiến thị trường phải mất hơn nửa năm để phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Tuy vậy, từ đầu tháng Ba, giá dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 70 USD/ thùng – đây là mức cao nhất giá dầu có thể đạt được khi đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn, theo đánh giá của EIU – cơ quan nghiên cứu của tạp chí The Economist.

Kể từ cuối tháng Năm, giá dầu giữ vững đà tăng mạnh. Ngày 28/6, dầu WTI trên hợp đồng tương lai (CFD) tại thị trường Mỹ giao dịch với mức gần 74 USD/thùng, trong khi đó giá CFD đối với dầu Brent tại thị trường Anh lên đến 76 USD/thùng.

Tờ Wall Street Journal hồi đầu tháng 6/2021 dẫn nguồn tin cho hay, các nhà giao dịch tại Phố Wall đã vét sạch các hợp đồng quyền chọn mua (call option) dầu Brent và WTI với mức gần 100 USD/thùng trước cuối năm 2022. Điều này cho thấy giới đầu tư đang một lòng đặt cược vào khả năng giá dầu thô sẽ sẽ đạt mức 100 USD/thùng vào năm sau, trên cơ sở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai tại sàn giao dịch New York. Nguồn: Tradingview

Giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai tại sàn giao dịch New York. Nguồn: Tradingview

Liệu giá dầu có thể tăng đến 100 USD/thùng?

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu khó có thể nhanh chóng khôi phục mốc 100 USD/thùng như thời điểm năm 2014 vì nền kinh tế thế giới vẫn còn chịu tổn tổn hại do COVID-19 gây ra và các nước sản xuất dầu sẽ nâng sản lượng để đáp ứng sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ dầu.

Trên thực tế, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC do Ả Rập Saudi đứng đầu và các đồng minh OPEC dẫn đầu là Nga (gọi chung là OPEC+) đang bàn việc cùng tăng sản lượng khai thác lên 500 nghìn thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng hiện nay. Nếu cuộc họp trực tuyến ngày 1/7 thông qua quyết định tăng sản lượng, thế giới sẽ có thêm 500 nghìn thùng dầu bắt đầu từ tháng Tám, và dự kiến nhiều tháng sau đó nữa.

Liên minh OPEC+ trước nay nổi tiếng với những quyết định bất ngờ và liên tục biến đổi tùy tình hình. Tuy nhiên, giới giao dịch thì khá lạc quan là giá dầu sẽ tăng cao.

“Đây không phải vấn đề cần nghĩ ngợi nhiều”. Giám đốc giao dịch Adam Webb của Blue Creek Capital Management LLC cho biết nhà đầu tư nào cũng đang xem xét hợp đồng quyền chọn mua dầu ở mức giá 100 USD/thùng giao vào tháng 12/2022.

Ông Webb cho rằng sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ sẽ đẩy giá dầu WTI lên ngưỡng 100 USD/thùng. Blue Creek đã bán các hợp đồng quyền chọn bán (put option) để có vốn mua các hợp đồng quyền chọn mua dầu 100 USD/thùng. Ông Webb cho rằng mức giá của các quyền chọn này đang rẻ và sẽ còn tăng cao.

Trái lại, nhà phân tích Natasha Kaneva của JPMorgan Chase thì cho rằng ngoại trừ trường hợp hợp nhà đầu tư ồ ạt đổ thêm tiền vào thị trường hàng hoá cơ bản hoặc đồng USD sụt giá mạnh, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phải tăng lên mức cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch trong quý 4/2021, thì giá dầu mới có thể lên ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.

Bà Kaneva tin chắc đây là điều không thể. Một lý do khác để thận trọng là nguồn cung dầu từ Iran có thể tăng mạnh nếu Mỹ đạt thoả thuận với Iran về khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015.

Cùng quan điểm với bà Kaneva là Robert Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho Securities. Ông cho rằng giá dầu sẽ không thể sớm đạt được ngưỡng 100 USD/thùng. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng thị trường dầu giao sau đang phản ánh mức giá khoảng 61 USD/thùng đối với dầu WTI vào thời điểm tháng 12/2022.

Giá dầu còn biến động lớn

Có quá nhiều yếu tố khó lường ảnh hưởng đến giá dầu. Nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tăng so với năm trước, nhưng vẫn khó đoán trước bối cảnh biến chủng mới đang làm tê liệt hàng loạt quốc gia. Động thái của liên minh OPEC+ với việc hạn chế nguồn cung và các căng thẳng địa chính trị, cũng như “lá bài khó đoán” là sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ cũng khiến việc tăng hay giảm giá dầu khó chắc chắn. Nhưng tựu chung, cơn sốt dầu dường như chủ yếu nằm trong giới giao dịch với các hợp đồng quyền chọn mua, chứ mức tăng hiện tại chưa đủ đảm bảo giá dầu đạt ngưỡng 100 USD/thùng.

Các nhà phân tích của EIU hồi tháng Ba đã nâng dự đoán cả năm cho giá dầu thô lên 68 USD/thùng cho năm 2021 và 71 USD/thùng cho năm 2022 (cao hơn 11-12 USD so với dự đoán trước đó). Dự đoán này đã lạc hậu vì chưa cập nhật đà tăng liên tục từ đầu tháng Năm, nhưng dù có tính đến diễn biến này, giá dầu dự kiến đến hết năm sau cũng khó lòng đạt đến mức 100 USD/thùng.

“Chúng ta đang ở hoàn cảnh chưa từng trải qua”. Leigh Goehring, một giám đốc tại công ty đầu tư chuyên về hàng hóa Goehring & Rozencwajg Associates nêu lên khả năng về một cuộc khủng hoảng giá dầu kế tiếp, khi giá dầu tăng cao nhưng còn nhiều biến động.

Dù chưa chắc giá dầu đạt mức 100 USD/thùng, nhưng chỉ cần giá dầu còn tiếp tục ở ngưỡng 70-75 USD/thùng cho đến hết năm nay, có một điều chắc chắn đó là mối lo lạm phát đối với nhiều nền kinh tế. Khi chi phí xăng dầu cao, sẽ đẩy giá thành vận tải và hàng hóa lên cao. Điều này sẽ dẫn đến phản ứng của các ngân hàng trung ương là tăng lãi suất cơ bản để hạ nhiệt cho nền kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ bị siết chặt, kinh tế tăng trưởng chậm, giá dầu sẽ lại giảm xuống.

Nguồn tham khảo:

https://www.wsj.com/articles/investors-bet-green-energy-focus-will-push-up-oil-prices-11623656321

https://www.wsj.com/articles/options-traders-bet-on-return-of-100-oil-11623061227

https://www.wsj.com/articles/opec-alliance-considers-boosting-production-amid-uneven-recovery-11624451530

https://www.eiu.com/n/how-long-will-the-oil-price-surge-last/