|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12 (Ảnh: China Daily) |
Sự thăng trầm của tiến trình hợp tác Trung-Nhật-Hàn
Tiến trình hợp tác Trung-Nhật-Hàn được khởi động từ năm 1999 trong khuôn khổ Diễn đang ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (khuôn khổ “10+3”). Đến năm 2008, lãnh đạo ba nước tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn (gọi tắt là Hội nghị) bên ngoài khuôn khổ “10+3” để thiết lập quan hệ hợp tác ba bên. Sau đó, Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần theo cơ chế luân phiên ở giữa nước. Sau Hội nghị tháng 5/2012, Hội nghị bị gián đoạn trong 3 năm do Thủ tướng Shinzo Abe viếng thăm đền Yasukuni và có những phát ngôn về vấn đề lịch sử bị phía Trung Quốc phản đối. Đến tháng 11/2015, Hội nghị được tái khởi động ở Seoul.
Năm 2016, Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), khiến quan hệ Trung-Hàn rơi vào tình trạng căng thẳng. Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bất đồng trong các vấn đề lịch sử, trong đó có vấn đề phụ nữ Hàn Quốc “bị ép buộc mua vui” trong Chiến tranh thế giới thứ II, nên Hội nghị tạm dừng lại.
Năm 2018, Hội nghị được tái khởi động ở Tokyo với Tuyên bố chung khẳng định ba nước sẽ cùng nghiên cứu mô hình hợp tác “Trung-Nhật-Hàn+1” nhằm mở rộng hợp tác với các thị trường bên ngoài để thúc đẩy các quốc gia trong khu vực Đông Á cùng phát triển và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài phạm vi hợp tác Trung-Nhật-Hàn.
Năm 2019 xuất hiện trở ngại đối với hợp tác ba bên Trung-Nhật-Hàn do mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul. Trong đó, Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng lợi về thương mại. Mâu thuẫn này xuất phát từ vấn đề lịch sử, trong đó Tòa án tối cao của Hàn Quốc hai lần ra phán quyết yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho những người dân Hàn Quốc bị ép buộc “phải lao động cưỡng bức” trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng. Tokyo đã trả đũa Seoul sau phán quyết này của Hàn Quốc. Mâu thuẫn giữa hai nước khiến Hội nghị dự kiến tổ chức vào cuối năm 2019 có thể bị hoãn. Tuy nhiên, đến thời hạn chót, Hàn Quốc hoãn quyết định chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật-Hàn (GSOMIA) và tạm ngừng kiện Nhật Bản lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước còn khôi phục đối thoại về vấn đề kiểm soát xuất khẩu và mong muốn thúc đẩy cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 12/2019.
|
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có cuộc gặp lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn ở Thành Đô (Trung Quốc) ngày 24/12/2019 sau một năm đầy sóng gió trong quan hệ giữa hai nước (Ảnh: Reuters) |
Một yếu tố tích cực thúc đẩy hợp tác ba bên Trung-Nhật-Hàn là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo tiền đề cho lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ vọng vào cuộc đàm phán về thiết lập khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn đã từng được khởi động từ năm 2012.
Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sức phản đối chủ trương của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau. Trong đó, nhiều quyết sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở mức độ nhất định đã thúc đẩy Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc điều chỉnh chính sách theo hướng tăng cường hợp tác cùng nhau. Theo đó, ba nước đều nhận thấy vai trò quan trọng của hợp tác ba bên đối với sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 11 của thế giới, GDP của cả ba nước chiếm trên 20% GDP của thế giới, hơn 70% của châu Á.. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy và tình hình kinh tế thế giới phức tạp, lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhận thấy cần cùng nhau nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, ủng hộ thương mại tự do, chống chủ nghĩa bảo hộ và bảo vệ nền kinh tế mở.
Tình hình bất ổn trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng là yêu tố tác động tới quan hệ hợp tác Trung-Nhật-Hàn. Trong đó, Triều Tiên ngày càng thất vọng khi việc họ kiềm chế thử tên lửa tầm xa và hạt nhân đã không được Mỹ đáp lại bằng cách chấm dứt các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế của nước này. Do đó, Triều Tiên đặt ra thời hạn chót là ngày 31/12/2019 để Mỹ phải nhượng bộ, nhưng Washington vẫn phớt lờ. Theo đó, Triều Tiên sẵn sàng phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ làm tiêu tan thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore trong tháng 6/2018.
Để phá vỡ thế bế tắc, Trung Quốc và Nga kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấm dứt một số biện pháp trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu then chốt của Triều Tiên. Matxcơva và Bắc Kinh cũng đang tìm cách bãi bỏ lệnh cấm đối với khoảng 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài và chuyển tiền về trong nước. Phía Mỹ phản đối đề xuất này vì cho rằng số tiền nói trên là để hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Mặc dù Hàn Quốc coi Trung Quốc là nhân tố quan trọng có thể giúp hồi sinh các cuộc đàm phán, nhưng đến nay Seoul chưa trả lời câu hỏi về việc liệu họ có ủng hộ đề xuất mới của Bắc Kinh và Moscow hay không. Nhật Bản vốn lâu nay luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, cũng không bình luận về đề xuất này của Nga và Trung Quốc. Bối cảnh đó buộc lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần gặp nhau để tìm cách duy trì tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Do đó, Hội nghị lần này là cơ hội để lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung trao đổi ý kiến về phương án hợp tác thực chất ba bên, tình hình Đông Bắc Á, thế giới, tình hình bán đảo Triều Tiên và thảo luận về phương án thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và bảo đảm hòa bình lâu dài ở Đông Bắc Á.
Đưa quan hệ hợp tác Trung-Nhật-Hàn lên tầm cao mới
Kết quả của Hội nghị lần này được thể hiện trong Báo cáo về triển vọng cho thập kỷ tiếp theo của hợp tác Trung-Nhật-Hàn. Theo nhận định của chuyên gia Lưu Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc, bản Báo cáo này là văn kiện quan trọng tổng kết những thành tựu hợp tác giữa ba nước trong nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, hoạch định kế hoạch hợp tác trong tương lai của ba nước, xác định quy hoạch vĩ mô của sự hợp tác ba nước trong trong thời đại mới trên cơ sở triển khai những nguyên tắc cơ bản đề ra trong Tuyên bố chung về quan hệ đối tác ba nước tại Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn năm 2008. Theo đó, Nhật Bản và Hàn Quốc rất coi trọng ngoại thương, đầu tư, và có ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ cao, còn Trung Quốc có quy mô thị trường lớn và có ưu thế trong các lĩnh vực mạng 5G và mạng Internet v.v. Nền kinh tế và cấu trúc ngành nghề ba nước có tính bổ sung cho nhau cao và có tiềm năng và triển vọng hợp tác lớn, đồng thời tăng cường hợp tác giữa ba nước với thị trường bên ngoài.
Theo Giáo sư Giang Thụy Bình thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, Hội nghị lần này là chất xúc tác góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị giữa ba nước, là nơi ba nền kinh tế lớn của châu Á cùng lên tiếng bảo vệ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Đồng thời, thông qua hành động thiết thực để thúc đẩy tự do hóa, thuận tiện hóa trong đầu tư, thương mại với các tiêu chuẩn cao hơn, để đáp trả hữu hiệu đối với làn sóng chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương.
Trương Uẩn Lĩnh, học giả thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng cơ chế hợp tác Trung-Nhật-Hàn có vai trò tạo sự ổn định và thúc đẩy mạnh mẽ đối với quan hệ hợp tác giữa ba nước và hợp tác trong khu vực Đông Bắc Á. Xét bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn bị gián đoạn và tiếp tục được tổ chức trong năm 2019, ba nước đã đạt được sự đồng thuận và sẵn sàng cùng thúc đẩy sự phát triển hợp tác ba bên.
Trần Tử Lôi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản thuộc Đại học ngoại thương Thượng Hải, nhận định, việc đối phó với sự già hóa dân số, hợp tác đổi mới và giao lưu nhân dân là các lĩnh vực cụ thể mà ba nước Trung Quốc Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đi sâu hợp tác nhằm nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài ra, ba nước còn có thể thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực khác như các ngành sản xuất cao cấp và ngành dịch vụ hiện đại.
Mikhail Belyaev-chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Nga (RISI) nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn 2019 là một sự kiện rất kịp thời để các quốc gia trong khu vực củng cố và tăng cường quan hệ đa phương và song phương thông qua việc tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị. Trong đó có vấn đề các nước châu Á có chịu khuất phục trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ hay không.
Tại Hội nghị lần này, ba nước thống nhất quan điểm về vai trò mới của các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế sau cải cách, chủ yếu là Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Do đó, Hội nghị mang đến cơ hội để cải thiện và ổn định các mối quan hệ địa chính trị ở Đông Bắc Á, điều phối quan điểm về một số vấn đề giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển hợp tác song phương và đa phương, đẩy nhanh đàm phán về thỏa thuận khu vực thương mại tự do ba bên.
Để tạo môi trường cho sự hợp tác ba bên trong thập kỷ tới, phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thống nhất quan điểm tiếp tục liên lạc và hợp tác chặt chẽ nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và duy trì nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.