Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết của Mỹ về Ukraine

Nga và Trung Quốc ủng hộ biện pháp này, trong khi Pháp và Anh bỏ phiếu trắng sau khi được cho là đã cố gắng trì hoãn cuộc bỏ phiếu.
Với 10 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết về Ukraine. Ảnh: Getty.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết do Mỹ soạn thảo kêu gọi “chấm dứt nhanh chóng” cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó cả Washington và Moscow đều mô tả động thái này là một bước quan trọng hướng tới hòa bình.

Hội đồng gồm 15 thành viên đã thông qua nghị quyết vào ngày 24/2 trong cuộc bỏ phiếu với kết quả 10 phiếu thuận/0 phiếu chống, với 5 quốc gia bỏ phiếu trắng. Văn bản cuối cùng loại trừ ngôn từ mạnh mẽ chống lại Moscow, bất chấp những nỗ lực của Pháp, Anh, Đan Mạch và Slovenia để đưa nó vào.

Đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia, hoan nghênh nghị quyết này, nhấn mạnh rằng Moscow coi đây là nền tảng cho những nỗ lực hòa bình sâu rộng hơn. Ông thừa nhận những thay đổi mang tính xây dựng trong quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine và mô tả nghị quyết này là nỗ lực đầu tiên nhằm đưa ra một tài liệu thực tế, hướng tới tương lai của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, ông Nebenzia bày tỏ sự thất vọng khi những sửa đổi mà Nga đề xuất - khiêm tốn nhưng rất quan trọng để đánh giá "chính xác" về cuộc khủng hoảng - đã không được chấp nhận.

Ông chỉ trích các phái đoàn châu Âu vì điều mà ông mô tả là nỗ lực phá hoại những diễn biến tích cực đang nổi lên. Trong khi cả Pháp và Anh đều không phủ quyết biện pháp này, nhưng hai nước đều bỏ phiếu trắng sau những nỗ lực trì hoãn quyết định cuối cùng không thành công.

“Họ cố gắng đưa vào văn bản những tuyên bố thiếu cân bằng, mang tính chính trị hóa, không mang lại hòa bình đến gần hơn mà thay vào đó nhằm mục đích làm chệch hướng mọi triển vọng giải quyết”, ông Nebenzia nói.

Vị quan chức Nga cũng cáo buộc các nước châu Âu là những chủ thể quốc tế duy nhất tích cực thúc đẩy tiếp tục các hoạt động thù địch và chống lại các sáng kiến ​​hòa bình thực tế.

Bất chấp những điểm không hoàn hảo, ông Nebenzia tuyên bố rằng nghị quyết này mang lại hy vọng mới về sự hợp tác mang tính xây dựng giữa các bên tham gia toàn cầu chủ chốt về an ninh châu Âu và quốc tế, mang lại sự lạc quan thận trọng. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên quá tự tin, khẳng định rằng “phe chiến tranh”, đại diện bởi Kiev và những người ủng hộ châu Âu, vẫn quyết tâm bóp méo và cản trở các nỗ lực ngoại giao.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả những người thực sự tìm kiếm hòa bình bền vững ở Ukraine không cho phép vị hoàng tử Kiev đã hết hạn và những người điều khiển rối của ông ta làm chệch hướng những nỗ lực mà Nga và Mỹ đang thực hiện”, ông Nebenzia cho hay.

Đại diện Mỹ Dorothy Shea ca ngợi việc thông qua nghị quyết này là một bước quan trọng hướng tới hòa bình.

“Nghị quyết này đưa chúng ta vào con đường dẫn tới hòa bình. Đây là bước đầu tiên nhưng là bước quan trọng mà tất cả chúng ta nên tự hào”, bà nói. “Bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế”.