Hãng truyền thông Mỹ và Nhà Trắng đưa nhau ra tòa vì tên gọi vịnh bị thay đổi

Thẩm phán tòa án liên bang tại Washington hôm 24/2 đã bác bỏ yêu cầu của hãng thông tấn AP về bãi bỏ lệnh cấm tạm thời ngay lập tức, sau khi họ bị cấm vào Phòng Bầu dục và lên chuyên cơ Không lực Một của Tổng thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ" gây nên rắc rối. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ" gây nên rắc rối. Ảnh: Reuters.

Thẩm phán cho biết lệnh của Nhà Trắng cấm các phóng viên hãng tin AP (Associated Press) vào Phòng Bầu dục và lên chuyên cơ của Tổng thống để phỏng vấn là có vấn đề và mang tính phân biệt đối xử, đồng thời kêu gọi chính quyền Trump xem xét lại lệnh cấm này.

Tuy nhiên, tòa lại cho rằng các cơ quan truyền thông có thể lấy thông tin thông qua các thông cáo chung do Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng (White House Correspondents' Association, WHCA) phát hành. Thẩm phán cũng đã lên lịch thu xếp một phiên điều trần khác vào tháng tới.

Man hinh Nha Trang.jpg
Màn hình trong Nhà Trắng hiển thị bản đồ ghi tên "Vịnh Mỹ" cùng dòng chữ "Victory" (Thắng lợi). Ảnh: Reuters.

Vào tháng trước Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để đổi tên Vịnh Mexico (Gulf of Mexico) thành "Vịnh Mỹ" (Gulf of America). Sau đó Nhà Trắng đã cấm cửa đối với hãng tin AP vì từ chối sử dụng tên "Vịnh Mỹ" để chỉ Vịnh Mexico.

Do đó, AP đã có hành động pháp lý, kiện Chánh văn phòng Nhà Trắng Susan Wiles, Phó Chánh văn phòng Taylor Budowich và Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, với cáo buộc lệnh của Nhà Trắng cấm các phóng viên AP vào Phòng Bầu dục và tiếp cận chuyên cơ Không lực Một đã vi phạm Hiến pháp Mỹ, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Hãng AP đã yêu cầu thẩm phán liên bang ngăn chặn các viên chức Nhà Trắng ngăn cản các phóng viên AP đưa tin về các hoạt động của tổng thống.

Thẩm phán McFadden, người chủ trì vụ án và từng được ông Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2017, lưu ý rằng ngay cả khi AP bị cấm tham dự các sự kiện của Nhà Trắng, hãng tin này vẫn có thể lấy được các thông tin tương tự từ các thông cáo báo chí được Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng cung cấp cho tất cả các phóng viên.

Hai phong vien AP bi cam.jpg
Hai phóng viên hãng tin AP bị ngăn không cho vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Ông McFadden cũng chỉ ra rằng việc AP mất 10 ngày để đệ đơn kiện sau khi Nhà Trắng ban hành lệnh cấm cho thấy hãng truyền thông này không bị tổn hại không thể khắc phục được và ông thấy không cần thiết phải can thiệp.

Mặc dù thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu xin bãi bỏ lệnh cấm, nhưng ông đã lên lịch một phiên điều trần khác vào ngày 20/3 để nghe các lập luận từ AP về đơn xin bãi bỏ lệnh cấm của Nhà Trắng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

Các luật sư đại diện cho chính quyền Trump đã lập luận trong hồ sơ nộp lên tòa án hôm 24/2 trước phiên điều trần rằng AP không được hưởng cái mà họ gọi là "quyền tiếp cận đặc biệt của giới truyền thông đối với Tổng thống" theo hiến pháp.

Vinh nay duoc doi ten.jpg
Vịnh biển này nay được Mỹ gọi là "Vịnh Mỹ" thay cho tên gọi Vịnh Mexico.
Ảnh: Reuters.

Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố, do hãng thông tấn AP vẫn tiếp tục sử dụng thuật ngữ "Vịnh Mexico" bất chấp việc thay đổi tên địa lý hợp pháp là "Vịnh Mỹ", nên họ sẽ cấm vô thời hạn các phóng viên của hãng thông tấn này vào Phòng Bầu dục và lên chuyên cơ Không lực Một.

Hãng thông tấn AP nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho báo chí và công chúng để tránh sự trả thù của chính phủ. Nhà Trắng khẳng định lại rằng việc các nhà báo tiếp cận Phòng Bầu dục và Không lực Một để phỏng vấn không phải là quyền hợp pháp mà là ưu đãi do tổng thống ban tặng, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh cấm đối với các phóng viên của AP sẽ tiếp tục được duy trì.