|
Hội chứng Stockholm khiến nạn nhân có xu hướng bảo vệ kẻ bắt cóc |
Hội chứng “Stockholm” là gì?
Đây là một hội chứng tâm lý học, mô tả trạng thái tâm lý – mối quan hệ - sợi dây liên kết vô hình giữa tội phạm và người bị bắt cóc. Có nghĩa là, trong khoảng thời gian bị giam giữ lâu dài, nạn nhân chuyển từ tâm lý sợ hãi, căm thù sang yêu thích và thậm chí là mong muốn có những bước tiến triển mới trong mối quan hệ với tên bắt cóc.
Mặc dù vậy, cảm giác này là hoàn toàn không có thật. Nạn nhân bắt cóc chỉ đang chịu một cú sốc tâm lý lớn, não bộ sinh ra ảo giác, nhầm tưởng những hành vi hành hạ của kẻ phạm tội là sự quan tâm, chăm sóc.
Theo một số nghiên cứu từ FBI, đã có khoảng 10% số nạn nhân có biểu hiện phát sinh tình cảm, thân thiết, gần gũi với kẻ đã bắt cóc mình. Hội chứng “Stockholm” không chỉ xảy ra với những người đang gặp các vấn đề về tâm lý mà còn xảy ra với cả những người bình thường.
Xoay xung quanh căn bệnh kỳ lạ này, đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu, trong đó có Anna Freud, một nhà phân tâm học người Anh gốc Áo - Do Thái. Bà được coi như người sáng lập ra trường phái phân tích tâm lý học trẻ em. Bà cho rằng, trong quá trình hành vi bắt cóc xảy ra, đặc biệt là khi bị tra tấn và hành hạ, nạn nhân đã đồng cảm với hoàn cảnh của kẻ giam giữ, mong muốn được sẻ chia một phần nỗi đau với hắn.
Hiện tượng này đã được ghi nhận sau vụ án bốn nhân viên ngân hàng Kreditbanken tại Thụy Sĩ bị bắt cóc, giam giữ vào năm 1973. Trong khoảng thời gian bị cách ly thế giới, các cô gái đã có biểu hiện gắn bó, thân thiết với tên bắt cóc. Hơn thế nữa, họ còn từ chối được giải cứu và lên tiếng bảo vệ cho hắn.
Hội chứng “Stockholm” có biểu hiện như thế nào?
Mặc dù chưa có kết quả nghiên cứu chính xác về “Stockholm”, song có thể tổng quan lại ba biểu hiện thường gặp của những người từng mắc phải hội chứng này: Nạn nhân có cảm nhận vô cùng tích cực đối với tội phạm bắt cóc mình; hơn nữa, họ còn tin tưởng và thể hiện sự đồng cảm cho hoàn cảnh của hắn; sau khi được giúp đỡ thoát ra ngoài, họ bắt đầu có những dấu hiệu sợ đám đông, giao tiếp kém, luôn tìm cách để được quay về với kẻ bắt cóc.
Diễn biến tâm lý cụ thể của quá trình hình thành “Stockholm”
Ban đầu, vì muốn thoát khỏi nguy hiểm, nạn nhân đã cố gắng làm hài lòng tội phạm giam giữ mình, lâu rồi sẽ chuyển thành thói quen và dần dần mất đi sự cảnh giác, đề phòng với hắn. Những người này khi sống chung với kẻ bắt cóc trong một thế giới tách biệt thực tại, sẽ bị lãng quên cuộc sống bình thường của mình và nảy sinh tâm lý phụ thuộc vào hắn. Hay nói cách khác, hắn như là một nhu cầu mà họ không thể thiếu.
Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này?
Xuất phát điểm của “Stockholm” vẫn chưa được tìm ra, các nhà tâm lý học đã đặt nhiều giả thuyết về nó. Tuy nhiên, họ cũng đã tổng kết được những trường hợp nảy sinh hiện tượng tâm lý này. Cụ thể, nếu tên tội phạm có biểu hiện thương cảm, đối xử tốt hơn và thậm chí từng tha chết cho nạn nhân thì họ lập tức sẽ nghĩ rằng đây là sự thương yêu.
Vì bị cô lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, người bị bắt cóc sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn, tự cho mình đã thấu hiểu được “tấm lòng” của kẻ giam giữ mình.
Giải pháp điều trị
Quá trình điều trị cho những bệnh nhân mắc phải hội chứng này sẽ mất một thời gian rất dài. Một mặt, nạn nhân cần được sự tư vấn và điều trị “nỗi đau” từ các chuyên gia tâm lý, một mặt khác, nạn nhân cần phải tự mình đấu tranh. Bởi, không có bệnh nhân nào có thể khỏi bệnh nếu bản thân họ không muốn thế. Ngoài ra, sự quan tâm, chăm sóc của gia đình cũng là một liều thuốc tốt. Trong xã hội hiện đại, hội chứng “Stockholm” không còn chỉ có ở những vụ án bắt cóc. Nó có thể xuất hiện ở nhiều nơi, trong các mối quan hệ bị lạm dụng khác (nạn nhân của những vụ khủng bố tinh thần, đánh đập, cưỡng hiếp).