Học giả Mỹ mách kế “giáng đòn nặng” vào Trung Quốc ở Biển Đông

VietTimes -- Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quy định các quốc gia ven biển được hưởng vùng đặc quyền kinh tế, nhưng Trung Quốc lại coi thường quyền lợi này, áp đặt yêu sách "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp.
Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới. Ảnh: CNAS.
Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới. Ảnh: CNAS.

Tạp chí National Interest Mỹ gần đây đăng bài viết của tác giả Patrick Cronin, giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng đối với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, sách lược hiện nay của Mỹ không đủ toàn diện và cứng rắn, chỉ nhấn mạnh "hành động tự do đi lại" (FONOPS) về quân sự, nhưng lại không thể bảo đảm tự do đi lại dân sự, sẽ làm cho luật pháp quốc tế hiện hành mất đi chỗ đứng, cũng không thể ngăn chặn căn bản được tham vọng của Bắc Kinh đối với Biển Đông, trật tự toàn cầu hợp pháp do Mỹ lãnh đạo sẽ bị lật đổ.
Theo Patrick Cronin, dư luận quốc tế rất quan ngại về việc Trung Quốc bồi đắp xây đảo nhân tạo, tăng cường năng lực quân sự (phi pháp) ở Biển Đông, nhưng lại coi nhẹ cốt lõi của tranh chấp Biển Đông là "cường quyền kiểu xét lại" do Trung Quốc làm đại diện, đối lập với luật pháp quốc tế hiện hành là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
UNCLOS dựa trên "Thuyết tự do hàng hải" (mare liberum) và các nguyên tắc như "lục địa chi phối vùng biển", cho rằng các nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông đều có thể chủ trương các quyền lợi như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nhưng Trung Quốc lại tìm cách phá hoại quy tắc này.
Trung Quốc đòi hỏi Biển Đông là "lãnh thổ trên biển" của họ, coi thường luật pháp và sự thực địa lý, lấy luật pháp Trung Quốc để áp đặt cho khu vực Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trung Quốc luôn tuyên truyền yêu sách "đường chín đoạn", tiến tới gây rối, đe dọa công dân các nước khác tiến hành các hoạt động kinh tế ở vùng biển hợp pháp của họ, bao gồm ngư dân, những người đi biển, phi công. Nếu cứ "ngầm cho phép" tình hình này tiếp diễn thì có thể "được thừa nhận".
Năm 2016, cựu phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Christensen cảnh báo, Mỹ chỉ muốn bảo vệ tự do đi lại của quân đội Mỹ, nhưng lại coi nhẹ tự do đi lại dân sự, từ đó sẽ dẫn tới sai lầm về chính sách.
Patrick Cronin cho rằng các tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông thực sự có thể truyền đạt thông điệp tự do đi lại của quân đội Mỹ cùng với không thừa nhận yêu sách lãnh thổ phi pháp, nhưng những hành động nhất thời này không thể bảo đảm được quyền lợi của công dân bình thường. Sau khi quân đội Mỹ rời đi, các công dân sẽ vẫn bị Trung Quốc gây rối.
Nói cách khác, cách làm hiện nay không thể răn đe được Trung Quốc, không thể ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Mỹ phải tính toán kỹ lưỡng việc đáp trả các hành vi "hung bạo" của Trung Quốc, chỉ cần kiên trì bảo vệ các tàu thuyền dân sự thực hiện quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông và tìm cách để hoạt động này trở thành "trạng thái bình thường mới", Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ tự do đi lại dân sự, tham vọng Biển Đông của họ cũng sẽ bị giáng một đòn nặng nề.