Trước mắt, hoạt động tiêm chủng mở rộng sẽ được triển khai đối với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ thấp. Các địa phương này khi thực hiện phải bảo đảm an toàn tiêm chủng và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 theo quy định.
Các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao và có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 sẽ tạm hoãn tiêm chủng thường xuyên, thực hiện quản lý đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ ngay sau khi đủ điều kiện tiếp tục triển khai tiêm chủng.
Các buổi tiêm chủng phải bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế và hướng dẫn của Dự án Tiêm chủng mở rộng. Các địa phương lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo khung giờ, sao cho không quá 20 người/điểm tiêm chủng trong cùng thời điểm và không quá 50 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi.
Cùng với đó, các đơn vị phải sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng: Trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp thì không đưa trẻ đi tiêm; người đưa trẻ đi tiêm không có các dấu hiệu ho, sốt, nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 hay có tiền sử tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày.
Các điểm tiêm chủng cần bố trí vị trí chờ thông thoáng, có đủ ghế ngồi và bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa các đối tượng. Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa các bàn/vị trí tiêm chủng. Bố trí thêm diện tích, phòng theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút. Các điểm tiêm chủng không sử dụng điều hòa trong buổi tiêm.
Từ 1/4 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạm ngừng tiêm chủng trên toàn quốc. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm chủng mở rộng trở lại bắt đầu từ ngày 25/4.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trung bình mỗi tháng có 140.000 trẻ tiêm chủng với khoảng 400.000 mũi tiêm. Do có dịch COVID-19, nên 3 tháng đầu năm nay, lượng trẻ đến tiêm chủng đã giảm đáng kể so với trước.