Hoàn thành sứ mạng trong 6 ngày, CSTO đã cử những lực lượng nào tới Kazakhstan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây Kazakhstan xảy ra bạo loạn quy mô lớn, theo yêu cầu của Tổng thống Tokayev, ngày 6/1, CSTO đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến, nay tình hình đã ổn định, nhiệm vụ của họ đã hoàn thành và bắt đầu rút đi.
Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO canh gác bảo vệ sân bay Almaty (Ảnh: Sina).
Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO canh gác bảo vệ sân bay Almaty (Ảnh: Sina).

Theo tuyên bố của ông Tokayev, từ ngày 13/1, cuộc triệt thoái lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO theo từng giai đoạn sẽ bắt đầu và sẽ kết thúc trong vòng 10 ngày. Nhiệm vụ hoạt động gìn giữ hòa bình tập thể đầu tiên đã hoàn thành trong 6 ngày, CSTO đã cử những lực lượng nào tới Kazakhstan?

Ra tay kiểu chớp nhoáng, CSTO đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan

Ngày 5/1, Kazakhstan đã rơi vào tình trạng khẩn cấp và Tổng thống Tokayev sáng 6/1 tuyên bố ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ CSTO để "vượt qua mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố".

Ngay trong ngày 6/1, Hội đồng Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã thông qua nghị quyết cử một lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tới Kazakhstan để nhanh chóng ổn định tình hình. Theo truyền thông Nga, đây là lần đầu tiên CSTO thực hiện "hoạt động gìn giữ hòa bình" tập thể.

Cờ hiệu của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO (Ảnh: Sina).

Cờ hiệu của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO (Ảnh: Sina).

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CSTO. CSTO là một tổ chức quân sự do các nước liên quan trong Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG thành lập sau khi Liên Xô giải thể. Trước đây nó được gọi là "Hiệp ước An ninh Tập thể" và được đổi thành "Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể" (CSTO) vào năm 2002.

Việc thành lập CSTO và tính chất của liên minh quân sự của nó, đã được Liên Hợp Quốc chấp nhận vào năm 2004 và cấp cho CSTO tư cách quan sát viên trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, điều này thực sự đánh dấu tổ chức này được quốc tế công nhận. Các nước thành viên hiện tại bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Lính dù Nga làm nhiệm vụ tiên phong, hơn 70 máy bay vận chuyển suốt ngày đêm

Vào ngày thông qua nghị quyết, biệt đội đổ bộ đường không của Nga đã đến Kazakhstan với tư cách là đội quân tiên phong, mang theo vũ khí hạng nhẹ và xe tải, được triển khai tại sân bay Almaty để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo sự triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO với các trang thiết bị hạng nặng như xe chiến đấu đổ bộ đường không và xe chiến đấu chở quân được nhanh chóng và an toàn.

Binh sĩ Nga lên máy bay tới Kazakhstan làm nhiệm vụ (Ảnh: RIA).

Binh sĩ Nga lên máy bay tới Kazakhstan làm nhiệm vụ (Ảnh: RIA).

Ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov cho biết, hơn 70 máy bay vận tải quân sự Il-76 và 5 chiếc An-124 đã thành lập đội hình không quân xuất phát từ các sân bay của 3 tỉnh Moscow, Ivanovo và Ulyanovsk, vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đến Kazakhstan suốt ngày đêm.

Theo tìm hiểu, toàn quân Nga có thể huy động gần 120 chiếc Il-76, và lượng huy động này đã chiếm hơn một nửa trong số đó. Máy bay vận tải quân sự của Nga cũng tham gia hoạt động vận tải lực lượng gìn giữ hòa bình từ các quốc gia thành viên CSTO khác tới Kazakhstan.

Lực lượng tinh nhuệ chính của hoạt động gìn giữ hòa bình CSTO: lính dù Nga

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gồm Lữ đoàn tác chiến đặc biệt độc lập số 45, Lữ đoàn đổ bộ đường không cận vệ 31 và Sư đoàn đổ bộ đường không (ĐBĐK) số 98. Tất cả các quân nhân đều đã được huấn luyện đặc biệt và có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Đoàn xe quân sự của Nga xếp hàng chờ lên máy bay tới Kazakhstan ( Ảnh: Sina).

Đoàn xe quân sự của Nga xếp hàng chờ lên máy bay tới Kazakhstan ( Ảnh: Sina).

Theo tin của tờ Rossiyskaya Gazeta tháng 8/2021, tổng binh lực của lực lượng đổ bộ đường không Nga có hơn 45.000 người, với trang bị cốt lõi là các loại xe chiến đấu thả bằng dù, xe bọc thép lội nước chở quân, hệ thống tên lửa chống tăng, pháo chống tăng tự hành và pháo tự hành 120 mm.

Trong số đó, Lữ đoàn đặc nhiệm 45 có bề dày kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài. Lữ đoàn đột kích đường không cận vệ 31 được trang bị hơn 100 xe chiến đấu thả dù BMD-2, gần 60 xe chiến đấu bánh xích vận tải bằng đường không BTR-D và mấy chục lựu pháo D-30. Sư đoàn ĐBĐK 98 tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Chiến tranh Chechnya và xung đột quân sự Nga - Gruzia, được trang bị hơn 200 phương tiện xe chiến đấu ĐBĐK các loại, sức chiến đấu rất mạnh.

Theo hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố, ngày 8/1, lực lượng chủ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã đáp máy bay vận tải quân sự từ Căn cứ không quân Chkalov gần Moscow và sân bay Ulyanovsk Oblast đến Kazakhstan với các xe bọc thép SPM - 2 Tiger và xe tải quân sự được chất lên các máy bay vận tải quân sự Il-76. Một loạt các thao tác cho thấy mức độ tự động hóa rất cao.

Xe bọc thép đổ bộ dù BRD-4M của lực lượng ĐBĐK Nga (Ảnh: RIA).

Xe bọc thép đổ bộ dù BRD-4M của lực lượng ĐBĐK Nga (Ảnh: RIA).

Đêm hôm đó, một số máy bay quân sự đã bay tới các sân bay Zhetken và Almaty ở Kazakhstan. Các thiết bị và nhân lực như xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M, xe bọc thép SPM - 2 Tiger, xe bọc thép bánh lốp BTR-82A, trạm liên lạc vệ tinh và tổ hợp đối phó điện tử vô tuyến được dỡ bỏ xong chỉ trong vài phút, sau đó lực lượng gìn giữ hòa bình nhanh chóng di chuyển đến địa điểm triển khai.

Từ thời Liên Xô đến nước Nga ngày nay, lính dù luôn đảm nhận vai trò “lính cứu hỏa”, đặc tính nhiệm vụ này quyết định điều cốt lõi trong trang bị của họ là “tính cơ động cao, dễ triển khai và hỏa lực mạnh”.

BMD-4M là mẫu xe mới nhất trong gia tộc xe chiến đấu của lính dù Nga, có thể thực xe cùng nhảy dù với người, khi xuống đất là tác chiến được ngay. Đồng thời hỏa lực nổi trội, ngoài pháo liên thanh 30mm và súng máy đồng trục RPK, nó còn được trang bị một khẩu pháo chính 100mm, có thể phóng tên lửa và một súng phóng lựu AGS-30 30mm, có khả năng cùng lúc chống lại nhiều loại mục tiêu theo nhiều hướng. BMD-4M quả là một chiến xa thả dù được trang bị tận răng.

Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO triển khai ở thủ đô Nur-sultan (Ảnh: AP).

Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO triển khai ở thủ đô Nur-sultan (Ảnh: AP).

Ngoài xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M, quân đội Nga điều động lần này đều là những trang bị thuần thục đã có từ nhiều năm, tuy không có vẻ gì là "tinh nhuệ", nhưng lại là những trang bị chuyên nghiệp để đối phó với tình huống đột ngột xảy ra. Ví dụ, SPM - 2 Tiger là một loại xe bọc thép hạng nhẹ được Nga phát triển đặc biệt để vận chuyển nhân viên một cách nhanh chóng và hỗ trợ hỏa lực nhất định. Với động cơ mạnh mẽ và vóc dáng vừa phải, nó có thể được trang bị nhiều loại vũ khí tùy theo nhu cầu khác nhau, rất thích hợp cho việc triển khai nhanh chóng để thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố và gìn giữ hòa bình trong đô thị.

Tất cả các quốc gia thành viên CSTO đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, đã hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị triệt thoái

Theo Rossiyskaya Gazeta, tất cả các quốc gia thành viên CSTO đều tham gia điều động hơn 3.000 quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, chủ yếu là Nga, Belarus cử 500 người, Tajikistan 200 người, Armenia 100 người và Kyrgyzstan cử 150 người.

Tổng chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO là tướng Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng ĐBĐK Nga với kinh nghiệm phong phú qua hai cuộc chiến tranh Chechnya và ở chiến trường Syria.

Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO, Thượng tướng Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng ĐBĐK Nga (Ảnh: Sina).

Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO, Thượng tướng Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng ĐBĐK Nga (Ảnh: Sina).

Theo nghị quyết của Hội đồng CSTO, đây là đợt triển khai binh lính gìn giữ hòa bình trong thời gian ngắn, thời gian cụ thể bao nhiêu ngày hoặc tuần sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của tình hình Kazakhstan và quyết định của Tổng thống Kazakhstan Tokayev. Sau khi kết thúc hoạt động gìn giữ hòa bình, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được rút khỏi Kazakhstan.

Ngày 11/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã tham dự cuộc họp toàn thể của Magilis (Hạ nghị viện Kazakhstan) qua truyền hình. Ông nói rằng giai đoạn chống khủng bố khó khăn ở Kazakhstan đã kết thúc và tình thế nguy hiểm nhất đã được gỡ bỏ. Hiện nay, tình hình tất cả các khu vực đã ngày càng ổn định, các nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đều hoàn thành xuất sắc. Một cuộc triệt thoái khỏi Kazakhstan theo từng giai đoạn sẽ bắt đầu sau hai ngày, toàn bộ quá trình rút quân sẽ kéo dài không quá 10 ngày.