Hoà Vang: Tập trung thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực để sớm trở thành thị xã của Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hành trình xây dựng Hoà Vang đạt đô thị loại IV vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực tự thân, mà còn cần có sự theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ của Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan ban ngành.

Một góc trung tâm hành chính huyện Hoà Vang nhìn từ trên cao
Một góc trung tâm hành chính huyện Hoà Vang nhìn từ trên cao

Để rõ hơn về định hướng xây dựng Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và sớm trở thành thị xã, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hoà Vang.

- Thời gian qua, chính quyền và người dân Hòa Vang đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình kế hoạch nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng đô thị loại IV, đưa Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025. Ông có thể chia sẻ những kết quả bước đầu mà địa phương đã đạt được?

Ông Tô Văn Hùng: Để cụ thể hoá Nghị quyết 07/NQ/TU ngày 7/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ huyện đã triển khai chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung xây dựng huyện đạt đô thị loại IV và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình kinh tế tập thể” với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, huy động tối đa “trí-lực” để thực hiện mục tiêu.

vt_to van hung.png
Ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng)

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Đà Nẵng đã ban hành công văn số 2402/UBND-ĐTĐT ngày 12/5/2023 xác định mục tiêu xây dựng huyện Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Từ đó, các sở, ban, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Hòa Vang triển khai các nhiệm vụ xây dựng thành thị xã. UBND TP Đà Nẵng cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét việc phân cấp cho UBND TP Đà Nẵng lập quy hoạch chung đô thị mới Hòa Vang.

Đặc biệt, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện trong thực hiện mục tiêu trên rất rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã đã ưu tiên thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chuẩn đô thị loại IV của huyện, các tiêu chí xây dựng xã thành phường so với quy định của Trung ương.

Huyện chỉ đạo các xã khảo sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch xây dựng xã thành phường và triển khai, đồng thời, lập quy hoạch chung của các xã. Hiện, có 1 xã đạt 18/18 tiêu chí là Hòa Phước; 3 xã đạt 17/18 tiêu chí là Hòa Châu, Hòa Sơn, Hòa Liên; 3 xã đạt 16/18 tiêu chí là Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong; 1 xã đạt 15/18 tiêu chí là Hòa Nhơn; 1 xã đạt 14/18 tiêu chí là Hòa Phú; 2 xã đạt 13/18 tiêu chí là Hòa Ninh, Hòa Bắc.

Xác định các tiêu chí đạt thấp và chưa đạt chủ yếu nằm ở nhóm cơ sở hạ tầng cấp đô thị, nên huyện đã đề xuất và được UBND TP phê duyệt chuẩn bị đầu tư 17 công trình cấp thiết để đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại IV. Huyện cũng bố trí đầu tư 113 công trình từ nguồn ngân sách huyện, ưu tiên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, trường học, điện chiếu sáng, thiết chế văn hóa, cây xanh vườn dạo, môi trường... đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV, nông thôn mới nâng cao, đáp ứng nhu cầu dân sinh và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Huyện ủy Hoà Vang đã chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua việc xây dựng chủ đề tuyên truyền “Người Hòa Vang chung tay xây dựng đô thị sinh thái”, đẩy mạnh, đa dạng hóa tuyên truyền mục tiêu xây dựng Hòa Vang thành thị xã bằng nhiều hình thức.

Huyện Uỷ đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, xây dựng các bản tin truyền thanh, lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt tại thôn, xã, tuyên truyền qua các ứng dụng mạng xã hội... để lan truyền khát vọng và nỗ lực của toàn huyện trong mục tiêu hướng đến xây dựng thị xã Hòa Vang. Đặc biệt là phát huy sức mạnh từ nguồn lực nhân dân trong các hoạt động đầu tư hạ tầng cho đến thiết chế văn hoá.

- Bên cạnh những kết quả đáng được ghi nhận kể trên thì khối lượng công việc vẫn còn rất lớn và không ít trở ngại. Vậy theo ông, khó khăn nhất hiện nay của Hoà Vang là gì?

Ông Tô Văn Hùng: Hành trình xây dựng huyện đạt đô thị loại IV vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực tự thân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hòa Vang, mà còn cần có sự theo dõi, chỉ đạo, giúp đỡ của Thành ủy, HĐND, UBND TP, các sở ban ngành TP để huyện tiếp tục vượt qua, hoàn thành các chỉ tiêu của đô thị loại IV. Đặc biệt là tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc lớn hiện nay trong thực hiện quy trình thủ tục.

Vừa qua, với tất cả sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang, sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ban, ngành TP, sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, ngày 20/11/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 Quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên, đồng nghĩa với việc thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Hòa Vang thuộc thẩm quyền của UBND TP Đà Nẵng.

Văn bản pháp lý quan trọng này đã tháo gỡ nút thắt, mở ra cơ hội và củng cố thêm niềm tin cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện trong hành trình vươn lên xây dựng thị xã.

Bên cạnh đó, để huyện Hòa Vang được bổ sung vào kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ), hiện nay UBND TP đã đề xuất Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh, bổ sung nội dung dự kiến phân loại huyện Hòa Vang là đô thị loại IV và xem xét tích hợp vào Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Đây là một trong các cơ sở pháp lý quan trọng để lập Đề án đô thị loại IV.

18 tiêu chuẩn chưa đạt để đảm bảo điều kiện đạt đô thị loại IV, 2 tiêu chí chưa đạt để thành lập thị xã, hầu hết ở nhóm công trình hạ tầng cấp đô thị. Do đó, để đảm bảo cơ bản hạ tầng của huyện theo yêu cầu, đòi hỏi nguồn lực đầu tư và nhân lực rất lớn; tiêu chí mật độ dân số toàn đô thị cũng là một trong những thách thức của huyện khi theo tiêu chuẩn là 1.200 người/km2, nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt gần 450 người/km2, đây thực sự là bài toán hóc búa cần nhiều nỗ lực để được giải đáp.

- Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để huyện Hòa Vang tăng tốc, với các giải pháp mang tính đột phá để sớm trở thành thị xã theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vậy với vai trò Bí thư Huyện ủy, ông có thể chia sẻ những định hướng nhiệm sắp tới của Hoà Vang là gì thưa ông?

Ông Tô Văn Hùng: Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Vì thế, huyện Hòa Vang tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt đô thị loại IV là chủ đề “Năm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện đạt đô thị loại IV”.

vt_keu goi 3.png
Ông Tô Văn Hùng (bìa trái) - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tại buổi trao góc học tập cho học sinh hiếu học trên địa bàn

Để đạt được kết quả này, Hoà Vang sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật để tạo tiền đề hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng hạ tầng giao thông, không gian công cộng đáp ứng tiện ích đô thị; tiếp tục huy động nguồn lực trong dân qua triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường đô thị theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các thủ tục về quy hoạch đô thị chung Hòa Vang, chương trình phát triển đô thị Hòa Vang, lập Đề án đề nghị công nhận huyện Hòa Vang đạt đô thị loại IV; hoàn chỉnh, trình TP phê duyệt và triển khai Quy hoạch huyện Hòa Vang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khơi thông các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú; trung tâm hành chính xã Hoà Phong; phối hợp đầu tư hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện (như cụm Công nghiệp Hoà Nhơn, khu công nghiệp Hòa Ninh, Hoà Nhơn…)...

Trong đó, tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng các dự án và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, làm nền tảng để hình thành các công trình tạo sức hút cho quá trình đầu tư phát triển và tăng quy mô nền kinh tế địa phương.

Song song với cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo, cải thiện nhà ở; tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của Hòa Vang; giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn và xây dựng cảnh quan môi trường đô thị... Nhất là văn hóa làng xã, tính gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ gia đình để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng, tổ chức không gian các lễ hội tạo bản sắc văn hóa riêng của huyện gắn với hoạt động du lịch, giáo dục; trùng tu, tôn tạo, quản lý các di tích văn hóa, lịch sử; giữ gìn, phát huy hơn nữa giá trị của dân ca, bài chòi, các loại hình nghệ thuật của đồng bào Cơtu...

Yếu tố mang tính then chốt nữa đó là xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã có năng lực, đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi ngành, mỗi địa phương, quyết tâm đồng lòng sớm xây dựng Hòa Vang thành Thị xã mang bản sắc riêng.

Xin cảm ơn!

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, huyện Hòa Vang sẽ có tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317 ha, quy mô dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người. Đến 2030 Hòa Vang sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã có trung tâm hành chính đặt tại xã Hòa Phong.