Stress có lợi và stress có hại
Cuộc sống luôn tồn tại những thách thức khiến con người có stress. Tuy nhiên, một số mức độ căng thẳng sẽ tạo thành tác động tích cực, một số mức độ gây ra phản ứng tiêu cực.
Các nhà khoa học nhận định, phản ứng tích cực chỉ làm tăng nhịp tim và nồng độ một số hormone nhất định. Trong khi đó, phản ứng tiêu cực gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất, vượt quá sức chịu đựng của con người. Vì vậy, mọi người cần hiểu rõ về các mức độ stress, từ đó có cách phòng ngừa nguy cơ bệnh tật.
1. Stress cấp tính
Stress cấp tính rất phổ biến, thường gặp khi con người phải đối diện với thách thức hoặc sự kiện mới. Khi đó, bạn có thể đã mắc lỗi, phải tranh cãi với những người thân yêu nhất hoặc chưa tìm cách vượt qua một nhiệm vụ phức tạp được giao phó. Hoặc đơn giản hơn, bạn lần đầu chỉ cho con trai mình cách đi xe đạp và cả hai đều căng thẳng…
Lượng stress cấp tính phù hợp giúp kích thích não bộ hoạt động, cả cơ thể bạn sẽ hoạt động tích cực hơn. Thậm chí, những sự kiện gây stress trong một đoạn thời gian ngắn còn giúp các tế bảo gốc cải thiện hiệu suất và tinh thần làm việc.
Song, quá ít stress cũng không tốt cho sức khỏe, dễ khiến bạn cảm thấy nhàm chán, trầm cảm. Không có điều gì thú vị xảy đến có thể khiến con người ta thờ ơ với mọi sự việc xảy ra xung quanh mình.
2. Stress cấp tính thường xuyên
Khi bạn thường xuyên lo âu chỉ vì những thứ nhỏ nhặt, cảm xúc tiêu cực sẽ chiếm lấy tâm trí của bạn. Bạn sẽ trở nên mệt mỏi, đau đầu và suy giảm sức đề kháng. Tình trạng này được gọi là stress cấp tính thường xuyên.
Cơ thể con người có thể chịu đựng được mức độ stress này. Song, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần của bạn đang bị đe dọa, do đó, cần điều chỉnh lối sống, rèn luyện bản thân nhiều hơn để tránh xa loại stress này.
3. Stress mãn tính hoặc độc hại
Nếu stress cấp tính không được giải quyết và kéo dài trong một thời gian dài, sẽ dần trở thành mãn tính. Loại stress này rất nguy hiểm, độc hại, hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần và dẫn đến ung thư, bệnh tim và béo phì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, stress mãn tính thậm chí có thể làm tăng mức độ của một số hormone gây rối loạn trí nhớ.
Nếu cuộc sống của bạn càng ngày càng trở nên phức tạp hơn, thì thay vì cố gắng tự động viên về stress tích cực, bạn nên tới gặp các bác sĩ để được khám, điều trị tâm lý sớm. Bởi vì bạn rất có thể đã trở thành bệnh nhân, bệnh sẽ chỉ càng trầm trọng hơn khi không được chữa trị.
(Theo Brightside)