"Hoa khôi" hơn 50 năm không có âm đạo đã tìm lại chính mình như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đau khổ vì không có con dù kết hôn đã lâu mà nguyên nhân sâu xa là do không có âm đạo, "Hoa khôi" 56 tuổi đã phải chia tay chồng, thậm chí chuyển đi nơi khác sinh sống để quên đi nỗi đau.
Các bác sĩ phẫu thuật cho hoa khôi hơn 50 năm không có âm đạo (Ảnh: BVCC)
Các bác sĩ phẫu thuật cho hoa khôi hơn 50 năm không có âm đạo (Ảnh: BVCC)

Từ mặc cảm vì khiếm khuyết trong cơ thể

Mặc dù đã 56 tuổi nhưng người phụ nữ ở Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp thời thanh xuân. Khi còn trẻ, chị nổi tiếng với danh hiệu “Hoa khôi” nhờ có khuôn mặt nhỏ nhắn, sống mũi thẳng, miệng cười tươi, đôi má ửng hồng, mái tóc đen dày.

Năm 15 tuổi, khi không thấy có kinh nguyệt mà bạn bè cùng trang lứa đều có, gia đình đã đưa chị đi khám ở bệnh viện chuyên ngành sản khoa. Ở bệnh viện, các bác sĩ đã chẩn đoán chị không có kinh nguyệt, khó có con nhưng không hề giải thích kỹ cho chị về căn bệnh dị tật bẩm sinh không âm đạo.

Vào năm 23 tuổi, chị đã kết hôn với chàng trai mà chị ngày đêm mong nhớ. Về mặt tình cảm, vợ chồng chị không gặp vấn đề gì nhưng khiếm khuyết của cơ quan sinh dục khiến chị thực sự đau khổ vì không có con. Ban đầu, vợ chồng chị chỉ nghĩ nguyên nhân không có con là do hiếm muộn chứ chưa từng nghĩ đến là do chị không có âm đạo.

Vì không có âm đạo nên việc “thân mật” của chị với chồng vô cùng khó khăn. Điều này khiến chị cảm thấy mặc cảm về bản thân, nên đã nhiều lần đề nghị chồng ly hôn để anh tìm duyên mới có thể đem lại cho anh một đứa con nhưng người chồng không đồng ý. Quá mong mỏi có một đứa con và được nuôi con, vợ chồng chị đã nhận một em bé sơ sinh làm con nuôi, nhưng mẹ chồng chị vẫn không đồng ý, khiến cuộc hôn nhân của chị đổ vỡ.

Muốn quên quá khứ đau buồn, chị đã chuyển vào Nam sinh sống. Vì quá mặc cảm nên chị đã có suy nghĩ không kết hôn thêm lần nữa.

Đến hành trình tìm lại chính mình

Trong một lần tình cờ đọc báo thấy thông tin các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E, đã giúp rất nhiều cô gái mắc dị tật không âm đạo tìm thấy bản than, chị đã quyết định đến bệnh viện để khám.

Sau khi thăm khám, ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E – chẩn đoán chị mắc hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer - Rokitansky - Kuster - Hauser). Đây là dị tật không có âm đạo bẩm sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Theo BS. Minh, bệnh nhân không có âm đạo, mà ống âm đạo chỉ là dải xơ dài vỏn vẹn 1,5 cm. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn không có tử cung. Khi xét nghiệm các chỉ số hormon, các bác sĩ còn thấy nội tiết của bệnh nhân bị thiếu hụt do thiểu sản buồng trứng.

Để giúp bệnh nhân được tìm lại chính mình, các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình âm đạo cho bệnh nhân bằng niêm mạc môi bé (hoặc cả phần môi lớn phì đại). Đây là phương pháp hiệu quả vừa giúp tạo hình âm đạo, vừa tạo hình làm đẹp tầng sinh môn cho người bệnh.

Ca phẫu thuật tạo hình âm đạo kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và được chia làm 3 ê kíp gồm: Một ê kíp thực hiện lấy niêm mạc từ môi bé của bộ phận sinh dục ngoài và tạo hình trên một khuôn nong; một ê kíp thực hiện tạo khoang âm đạo và một ê kíp tiến hành nội soi ổ bụng, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang do ThS. BS. Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật, Tiết niệu, Nam học phụ trách.

Trong quá trình phẫu thuật, để tạo khoang âm đạo có độ dài từ 8-10cm và rộng khoảng 3-4 cm, các bác sĩ phải tạo hình các mảnh ghép niêm mạc được lấy từ môi bé của cơ quan sinh dục ngoài. Sau đó, những mảnh ghép này được xử lí làm mỏng, phủ kín lên khuôn nong và cố định lại vào khoang âm đạo vừa được tạo hình.

"Khó khăn lớn nhất mà các bác sĩ gặp phải chính là việc các bác sĩ phải bóc tách khoang âm đạo mới vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ để không làm rách trực tràng, bàng quang cũng như tổn thương các mạch máu. Mảnh ghép niêm mạc môi bé còn lại được các bác sĩ xử lý đúng kỹ thuật và cố định tạo hình tốt để đảm bảo “sự sống” ở nơi nhận không bị hoại tử. Lớp niêm mạc này đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo yếu tố sinh lý, giúp thành âm đạo sau tạo hình mềm mại, đặc biệt, tạo tính đàn hồi khi quan hệ tình dục." - BS. Minh chia sẻ.

ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Ảnh: BS. Nguyễn Đình Minh)

ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Ảnh: BS. Nguyễn Đình Minh)

Đáng chú ý, các bác sĩ đã tự chế tạo ra khuôn nong âm đạo cho bệnh nhân. Khuôn nong âm đạo bằng vật liệu silicon y học, hoàn toàn đảm bảo về chất lượng và an toàn cho sức khỏe người bệnh.

Ưu điểm của khuôn nong âm đạo silicon là tạo được hình dáng khuôn nong phù hợp với thể trạng cũng như nhu cầu của bệnh nhân và đường hầm âm đạo tạo ra cho bệnh nhân. Chất liệu silicon có thể tiệt trùng ở nhiệt độ thấp và đảm bảo độ cứng chắc nhưng vẫn có tính đàn hồi thích hợp cho niêm mạc ghép bám tốt nhất vào ống đường hầm âm đạo đã được tạo ra, đồng thời, giảm tối đa chi phí cho người bệnh.

Phát hiện sớm bệnh bẩm sinh để gìn giữ hạnh phúc gia đình

Theo y văn thế giới, bệnh dị tật bẩm sinh không âm đạo mà người phụ nữa trên mắc phải là hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser khiến âm đạo, tử cung không phát triển. Bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng, các hormon giới tính trong giới hạn bình thường nhưng lại không có cơ quan sinh dục. Thực tế, tình trạng nữ giới không có âm đạo là hiếm, chiếm tỉ lệ khoảng 1/4.000 tới 1/10.000, nghĩa là, cứ 4.000 trẻ sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo.

Đây là một căn bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ chưa xác định được nguyên nhân. Bệnh thường được phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hoóc môn do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo có thể gây ra các khối u vùng âm hộ hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục,…). Còn ở tuổi dậy thì, đến thời kỳ có kinh nhưng nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh. Đặc biệt, để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này phải được phẫu thuật tạo hình âm đạo.

ThS. BS. Nguyễn Đình Minh tư vấn cho một bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện (Ảnh: BVCC)

ThS. BS. Nguyễn Đình Minh tư vấn cho một bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện (Ảnh: BVCC)

Từ trường hợp của bệnh nhân trên, BS. Minh khuyến cáo: “Mọi bất thường ở cơ quan sinh sản của phụ nữ cần được khám và điều trị kịp thời. Vì thế, khi chị em thấy cơ thế có những dấu hiệu bất thường như: đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được,…đều phải thăm khám sớm.”

Theo BS. Minh, hầu hết các dị tật “vùng kín” đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp X-quang và MRI được áp dụng trong những ca bệnh khó xác định. Từ 18 tuổi trở đi, người bệnh có thể thực hiện kỹ thuật này.

Chi phí để thực hiện các xét nghiệm, phẫu thuật không quá tốn kém. Vì vậy, những người có bất thường cơ quan sinh dục do lỗi của tạo hóa có thể tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E để được khám, tư vấn và phát hiện dị tật, hướng chữa trị kịp thời.