Hỗ trợ Bắc Ninh chống dịch, Trường Đại học Y Hà Nội còn nghiên cứu biến chủng của virus SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng nay, gần 50 giảng viên và sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Hà Nội đã lên đường vào tâm dịch Yên Phong (Bắc Ninh) để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, ngay sau khi địa phương này bị phong toả.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - tặng quà và ân cần dặn dò các cán bộ, sinh viên lên đường "thượng lộ bình an" và hoàn thành tốt nhiệm vụ
GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - tặng quà và ân cần dặn dò các cán bộ, sinh viên lên đường "thượng lộ bình an" và hoàn thành tốt nhiệm vụ

Hỗ trợ cho “tuyến đầu” chống dịch

Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Bắc Ninh tăng từng ngày trong 3 tuần qua, dẫn đến phải phong toả 1 số địa phương, trong đó có huyện Yên Phong - nơi có rất nhiều khu công nghiệp và là lúc địa phương cần sự hỗ trợ y tế hơn bao giờ hết.

Để hỗ trợ hiệu quả, trước đó, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội đã trực tiếp về Bắc Ninh khảo sát nhu cầu thực tế của Bắc Ninh cần chuyên gia gì, trong lĩnh vực nào, tránh lãng phí nguồn lực. Trên cơ sở đó, Trường đưa gần 50 chuyên gia và sinh viên năm cuối tình nguyện về hỗ trợ Yên Phong chống dịch với vai trò chủ trì về chuyên môn y tế, hỗ trợ truy vết, sàng lọc, điều tra và xét nghiệm COVID-19. Trường cũng cho biết, nếu huyện thiếu gì sẽ sẵn sàng hỗ trợ tiếp.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - dặn dò các cán bộ, sinh viên trước lúc lên đường vào tâm dịch
GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - dặn dò các cán bộ, sinh viên trước lúc lên đường vào tâm dịch

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Trường nhận hỗ trợ cho huyện Yên Phong từ việc điều tra truy vết, lấy mẫu, chuyển mẫu về Trường để xét nghiệm, trả kết quả online, đồng thời, đào tạo theo chuẩn của Trường Đại học Y Hà Nội, để khi dịch được khống chế, lực lượng của Trường rút về, các cán bộ y tế địa phương có đủ năng lực làm việc hiệu quả. Trường cũng cử cán bộ hỗ trợ về điều trị - vấn đề mà địa phương đang thiếu với việc hội chẩn, hướng dẫn qua telehealth.

“Tất cả cán bộ và sinh viên tham gia hỗ trợ Bắc Ninh lần này đều được tuyển chọn kỹ từ các tình nguyện viên có chuyên môn, đã được đào tạo và có sức khỏe, là những người có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các nhiệm vụ của trường cũng như đã hỗ trợ các địa phương chống dịch trước đó. Nhà trường phân công cụ thể các nhóm, trong đó có các chuyên gia về dịch tễ học, cán bộ và sinh viên để hoạt động hiệu quả nhất” - GS.TS. Tạ Thành Văn cho hay.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - chúc các các bộ lên đường mạnh khoẻ và xứng đáng là giảng viên của ngôi trường danh giá
GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - chúc các các bộ lên đường mạnh khoẻ và xứng đáng là giảng viên của ngôi trường danh giá

Trường Đại học Y Hà Nội đã nhận hơn 6.000 mẫu xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang và tới đây, tuỳ theo tình hình dịch ở Bắc Ninh, có thể nhận thêm trên chục ngàn mẫu nữa để xét nghiệm tại trường và trả kết quả online trong thời gian sớm nhất. Có kinh nghiệm xét nghiệm qua các đợt dịch phục vụ các cơ quan Trung ương, các điểm nóng về dịch ở các địa phương nên nhà trường tự tin về năng lực xét nghiệm.

Cũng trong đợt dịch này, Trường Đại học Y Hà Nội còn tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19, tiêm vaccine COVID-19 cho các cơ quan Trung ương và các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Trường còn cử 10 sinh viên hỗ trợ công tác truy vết phục vụ phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, 2 cán bộ tham gia phòng chống dịch tại BV K Trung ương.

Giám sát sự biến đối gien của virus SARS-CoV-2

Đặc biệt, GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết: Song song với việc hỗ trợ chuyên môn cho Bắc Ninh, Trường còn cử một nhóm nghiên cứu đồng hành đến giám sát sự biến đối gien của virus SARS-CoV-2 qua các đợt dịch và các vùng miền, đưa ra những phân tích, dự báo tác động của các dạng đột biến gen SARS-CoV- 2, từ đó tư vấn cho ngành y tế, cho việc sản xuất vaccine và đánh giá hiệu quả với vaccine, nhằm phục vụ công tác kiểm soát dịch COVID-19.

Nhóm nghiên cứu, giám sát sự biến đối gien của virus SARS-CoV-2

Nhóm nghiên cứu, giám sát sự biến đối gien của virus SARS-CoV-2

Được biết, đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước được Bộ Y tế và Bộ KH&CN giao, do GS.TS. Tạ Thành Văn làm chủ nhiệm, nhằm xác định và phát hiện đột biến chủng virus để đánh giá nguy cơ của dịch. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu phát hiện được biến chủng mới, sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ cục diện chống dịch ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Bởi Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến chủng khác nhau, trong đó có 2 biến chủng của Ấn Độ và Anh, nguy cơ lây nhiễm cho người tiếp xúc gần lên tới 40-70%.

Đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi thực tế cho thấy virus SARS-CoV-2 có đột biến gen xảy ra nhanh hơn so với các chủng virus cúm khác. Hơn nữa đã xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây truyền nhanh hơn, có thể gây bệnh nặng hơn và giảm hiệu quả dự phòng của một số loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện nay.

Việc điều tra dịch tễ học để xác định đặc điểm các ca bệnh, đặc điểm lây truyền và các yếu tố nguy cơ bùng phát bệnh là rất quan trọng để cung cấp bằng chứng và cái nhìn chính xác hơn về nguy cơ bệnh, giúp nâng cao hiệu quả dự phòng bệnh tại Việt Nam. Nghiên cứu sẽ áp dụng các kỹ thuật phân tích thống kê hiện đại như phân chuỗi thời gian, phân tích mô hình mối liên quan các yếu tố nguy cơ để giúp tăng tính giá trị và tin cậy của kết quảng hiên cứu.

Theo ông Vũ Quốc Đạt– giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội– thì nếu phát hiện được biến chủng virus mới sẽ góp phần rất quan trọng trong việc phát triển vaccine, vì hiệu quả của một số vaccine phòng COVID-19 mới ra đời hiện nay đã giảm do virus đột biến. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai nghiên cứu 3 loại vaccine phòng COVID-19, bắt buộc chúng ta phải có thông tin về chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam để dự báo tính khả thi.

Các cán bộ, sinh viên lên đường trong sự tiễn đưa nồng hậu của các thầy cô, lãnh đạo nhà trường

Các cán bộ, sinh viên lên đường trong sự tiễn đưa nồng hậu của các thầy cô, lãnh đạo nhà trường

Trong dịch bệnh toàn cầu này, mỗi quốc gia cần thực hiện các chính sách tiếp cận để phòng và chống dịch bệnh theo đặc điểm và tình hình thực tế của mình. Việc giám sát gene, theo dõi sự thay đổi, xuất hiện của các biến chủng virus mới là điều bắt buộc phải thực hiện. Phát huy nội lực, thích ứng với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia luôn là giải pháp nhanh chóng và tối ưu nhất, do vậy Việt Nam cần thiết phải tiến hành thực hiện giám sát gen của SARS-CoV2 sớm nhất để có thể kiểm soát dịch bệnh COVID19 một cách chủ động và hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí quốc gia, góp phần phát triển kinh tế và mang lại cuộc sống bình thường cho người dân Việt Nam.

Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội và các phòng, ban lưu luyến tiễn đưa đoàn công tác với tâm dịch Bắc Ninh

Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội và các phòng, ban lưu luyến tiễn đưa đoàn công tác với tâm dịch Bắc Ninh

Chính vì vậy, triển khai đánh giá đột biến gene của SARS-CoV-2 tại Việt Nam là rất cấp bách và cần thiết, đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh COVID19 ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh: Thanh Hằng - Trần Minh - Hữu Linh