Mấy ngày qua, việc liên tiếp thông báo khẩn về thời gian trở lại trường rồi lại kéo dài thời gian nghỉ do dịch bệnh COVID-19 của sinh viên, học viên ĐH Y Dược TP.HCM, khiến nhiều sinh viên phản ánh là quá căng thẳng.
Cụ thể, sinh viên từ các tỉnh thành nhận được thông báo trở lại trường bắt đầu lịch học chính thức từ ngày 2/3 nên trong ngày 29/2 nhiều em đã bắt xe từ các tỉnh về lại TP.HCM. Tuy nhiên, đang trên xe thì khoảng 19 giờ (tối 29/2) sinh viên lại nhận được thông báo khẩn có nội dung về việc tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8/3.
Thông báo khẩn này đã khiến nhiều em sinh viên phải dừng giữa đường, bắt xe quay trở về quê. Một số sinh viên ở các tỉnh xa đi máy bay về TP.HCM không thể dời vé vào phút chót và vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì nhận được thông báo tiếp tục nghỉ học nên gia đình đã phải tốn thêm tiền cho con mua vé bay gấp quay trở lại quê. Theo thông tin từ gia đình sinh viên thì nhiều lần đổi vé như vậy còn tốn kém hơn cả một năm đi lại trước đó.
Sinh viên trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cũng nhận được thông báo tương tự, khi Ban Giám hiệu quyết định cho giảng viên, sinh viên, học viên toàn trường nghỉ học đến hết ngày 8/3 vì lý do: “Phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra".
Trường khuyến cáo: "Giảng viên, sinh viên, học viên ở tại địa phương, hạn chế đi lại, cập nhật thường xuyên thông tin của trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế” – (Trích thông báo khẩn của PGS.TS BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ký ngày 29/2).
Thầy trò trường ĐH Y Dược TP.HCM ra quân tình nguyện đầu năm 2020 (Ảnh: ĐHY)
|
Trả lời về việc này, PGS. TS Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết: “Ban đầu, tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế về việc 11 trường ĐH, Cao đẳng trực thuộc trên toàn quốc mở lại trường đón sinh viên vào học từ ngày 1/3, nên chúng tôi đã thông báo tới sinh viên về thời gian đi học trở lại vào ngày thứ hai 2/3. Để chuẩn bị đón sinh viên quay lại, Trường cũng đã làm công tác vệ sinh, khử trùng tất cả các giảng đường, ký túc xá”.
“Tuy nhiên, chiều thứ bảy ngày 29/2 chúng tôi theo dõi sát sao cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng Chống dịch bệnh COVID-19 tại UBND TP.HCM, nhận chỉ đạo của UBND về việc các trường trên địa bàn thành phố nên nghỉ thêm. Cuộc họp hôm 29/2 kết thúc lúc 18h, ngay lúc đó Trường đã triển khai thông báo tới các em sinh viên, học viên và ngay tối hôm đó chừng 19 giờ, sinh viên nhận được thông báo là đúng” - PGS. TS Trần Diệp Tuấn nói.
“Trường nằm trên địa bàn TP.HCM, phía Trường nhất quán từ đầu là UBND TP.HCM có chỉ đạo như thế nào, Trường sẽ tuân thủ như thế, để chống dịch rất cần phải có sự nhất quán, đồng lòng mới có hiệu quả” – PGS.TS Trần Diệp Tuấn khẳng định.
Theo số liệu chính thức từ UBND TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 18.881 bác sĩ, trong đó có 2.424 bác sĩ thuộc Trung ương và riêng về Khoa Nhiễm chỉ có 349 bác sĩ; số lượng điều dưỡng đến hiện tại là 31.301 người, nhưng trong đó có 966 điều dưỡng Khoa Nhiễm.
Nếu giả sử có dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh như các nước bạn đang mắc phải, cứ một người nhiễm bệnh cần tới cả chục nhân viên y tế và bác sĩ để chăm sóc, phục vụ, chắc chắn sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân viên y tế.
“Chống dịch là chiến lược chung của cả hệ thống y tế. Khi hệ thống y tế có chủ trương, cần huy động nguồn lực chống dịch, hoặc nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng, ĐH Y Dược TP.HCM sẽ tham gia với toàn bộ nhân lực, từ giảng viên, sinh viên và học viên sau đại học với tinh thần trách nhiệm cao nhất”. – PGS.TS Trần Diệp Tuấn nói.