Hiệp hội Mía đường lại “khẩu chiến” với Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú

Một văn bản dài hơn 4500 chữ của Hiệp hội Mía đường được gửi đi đã phản bác lại rất nhiều luận điểm mà Thứ trưởng Tú đưa ra trong bài viết của mình.

Cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã có một bài viết dài về thực trạng cấp bách của ngành mía đường.

Ông Tú cũng cho biết, một số bất cập của ngành mía đường trong nước chưa thể giải quyết thời gian qua.

Cụ thể, giá thành sản phẩm quá cao, chính sách hỗ trợ người nông dân yếu, phương thức kinh doanh không ổn định và mối liên kết giữa các doanh nghiệp lỏng lẻo...

Theo ông Tú, thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai.

Nếu thành công, ngành mía đường của Việt Nam mới có thể đứng vững trước áp lực cạnh tranh với hàng nghìn doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Chiều tối 2/3, một văn bản dài hơn 4500 chữ của Hiệp hội Mía đường được gửi đi cho báo giới đã phản bác lại rất nhiều luận điểm mà Thứ trưởng Tú đưa ra trong bài viết của mình.

Thứ trưởng "thiếu thông tin"

Công văn do ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường ký, bắt đầu bằng một lời cảm ơn:

“Trước hết cám ơn ông Thứ trưởng đã có nhiệt tình và “phát biểu một cách có trách nhiệm về những nội dung liên quan.

Chúng tôi không biết là Thứ trưởng nhận định, đánh giá và góp ý hay là đưa ra ý kiến của mình để điều hành ngành mía đường với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công thương.

Chúng tôi nghĩ, có lẽ do thiếu thông tin hay chỉ nghe thông tin một chiều chưa được kiểm chứng tính chính xác, từ đó Thứ trưởng dẫn chứng và đưa ra lý luận, ngoài một số điểm chúng tôi đồng tình thì có nhiều điểm chúng tôi xin có ý kiến để làm rõ tính chính xác…”

Hiệp hội Mía đường cho biết, giá tiêu thụ nội địa của Việt nam không hề cao, "thậm chí thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chỉ cao hơn một số ít nước như Brazil, Ấn Độ”.

Một trong các con số mà Hiệp hội đưa ra là giá bán sỉ đường trắng ở Việt Nam hiện từ 530 – 580 USD/tấn (tức là từ 11.400 – 12.400 đồng/kg).

Trong khi đó, giá bán sỉ nội địa của các quốc gia khác hầu hết đều cao hơn. Ví dụ Thái Lan (625,9 USD/tấn), Indonesia (716 USD/tấn – đường luyện, thường cao hơn đường trắng), Philippines (956 USD/tấn – đường luyện).

Hiệp hội Mía đường cho rằng:

“Chúng ta không thể so sánh giá tiêu thụ nội địa với giá thương mại thế giới (lại càng không thể có so sánh khập khễnh giữa giá tiêu thụ nội địa với giá đường lậu, đặc biệt là đường lậu từ quota C của Thái Lan).

Do đó ta chỉ có thể so sánh giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam với giá tiêu thụ nội địa của các nước thì mới chuẩn xác, và so sánh giá sỉ với sỉ, lẻ với lẻ.

Như vậy, giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam bắt đầu là giá bán sỉ cấp 1 từ các nhà máy đường không cao.

Có cao chăng là giá lẻ, chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ có khi lên đến 50 – 60 % mà dư luận đã lên tiếng chênh lệch quá cao giữa giá sỉ và giá lẻ thuộc về các nhà thương mại trung gian và bán lẻ”.

Công văn cũng nhấn mạnh: “Đây là phạm vi của quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương quản lý.

Để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ thì yếu tố quan trọng nhất làm ngay sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn là Bộ Công thương nên có biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá nếu có, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan”.

Phủ nhận “ưu đãi”, trách “quốc gia chưa tạo điều kiện”

Trong số những điểm hiếm hoi mà Hiệp hội Mía đường đồng tình, có việc thừa nhận hiện tại năng suất mía của Việt Nam đang thua kém Thái Lan.

Nhưng Hiệp hội cũng “nói lại cho rõ”:

“Về giống mía: đây là vấn đề lớn của ngành mía đường, nhưng đây là vấn đề của quốc gia, hầu hết các nước đều quản bộ giống và có cơ chế, chính sách chứ không để như Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Mía đường của quốc gia nhưng quốc gia chưa tạo được điều kiện để Viện hoạt động tốt.

Chúng tôi nghĩ Thứ trưởng đề cập điểm này rất chuẩn xác, nhưng Thứ trưởng nên giúp nông dân trồng mía Việt Nam đề nghị Nhà nước, Bộ NN & PTNT nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp.

Hiện nay năng suất mía bình quân của Việt Nam đạt 64,7 tấn/ha, của Thái Lan 74,5 tấn/ha (nguồn Bộ NN & PTNT và ISO) (nghĩa là chênh lệch khoảng 10 tấn/ha, chứ không chênh lệch đến 40 tấn/ha như số liệu ông Thứ trưởng nêu ra).

Đây không phải lần đầu tiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú và Hiệp hội Mía đường có tranh luận qua lại

Công văn cũng cho biết: Thời gian qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự nâng cấp, mở rộng, đầu tư công nghệ và thiết bị mới, không thể đánh giá là lạc hậu như một số nhận định.

“Thậm chí, một số nhà máy đường có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn nhiều nhà máy đường của các nước trên thế giới, kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Lào”.

Thế nhưng, hiện nay trồng mía đường Việt Nam gặp phải những khó khăn về đất đai, trong đó có những khó khăn xuất phát từ cơ chế:

Đất đai manh mún và đất chỉ được cấp quyền sử dụng 20 năm, hết hạn phải xin cấp lại chứ không được cấp quyền sử dụng lâu dài.

“Với các điều kiện trên đây rất khó cho việc bỏ vốn vào để đầu tư cơ giới hóa nhằm áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng để hạ giá thành nông nghiệp.

Điều kiện này cách biệt rất xa so với điều kiện của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào.

Tại Lào nhà đầu tư Hoàng Anh Gia Lai được giao đất tốt bằng phẳng, hàng chục nghìn ha thời gian trên 90 năm, chỉ một người làm chủ, đủ điều kiện để bỏ vốn đầu tư nhằm áp dụng mọi kỹ thuật canh tác cần thiết”, công văn nêu đầy hàm ý.

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN - PHÓ CHỦ NHIỆM UBKT CỦA QUỐC HỘI

Bây giờ Nhà nước điều hành thông qua chính sách thuế. Chúng ta nhìn lại xem nhà nước thu gì nhiều của người nông dân trồng mía không? Còn Hiệp hội mía đường đã làm gì để nâng cao chất lượng mía đường? Hiệp hội, các DN đã đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào, nghiên cứu ra sao? Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đứng ra vay tiền của các tổ chức tín dụng để đưa cho người mua giống mía tốt, mua phân tốt, khuyến khích áp dụng quy trình mới cho người nông dân và nhà nước chấp nhận cái chi phí đấy, cái lãi vay đấy được tính vào giá thành của 1 kg đường, nhà nước có ngăn cấm đâu? Tại sao Hiệp hội không làm để tạo thành chuỗi sản phẩm liên kết, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh?