Sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về gói 30.000 tỉ đồng, chiều 12-3, Hiệp hội bất động sản phát văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng mà không ấn định thời hạn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị có điều kiện tạo lập nhà ở.
Dẫn quy định của Nghị quyết 02 và Thông tư 11-2013, Hiệp hội bất động sản cho rằng việc đặt mục tiêu giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trong 3 năm và thời hạn 36 tháng là do Ngân hàng Nhà nước ấn định vì Nghị quyết 02 không quy định thời hạn này.
“Hiện nay thị trường bất động sản đã phục hồi và tăng trưởng nên không cần thiết tiếp tục chính sách ưu đãi nhưng rất nhiều người thu nhập thấp đô thị cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, mà trước mắt, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng là cứu cánh hiện nay để tạo lập nhà ở”, theo Hiệp hội bất động sản.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 1-6-2016, Hiệp hội kiến nghị cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đến thời điểm cuối tháng 5 đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỉ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần đến hết hợp đồng.
Lý do theo Hiệp hội chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng thì những đối tượng trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không biết xoay sở như thế nào vì khó kham nổi lãi suất thương mại trên dưới 10%/năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 28.884 tỉ đồng, tương đương 96,28% gói ưu đãi.
Trong đó số đã giải ngân là 20.000 tỉ đồng đạt 66,6%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới. Khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỉ đồng, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.
Theo Tuổi trẻ