Hi vọng nhỏ nhoi để ông Assad tại vị ở Syria?

Iran lên tiếng ủng hộ ông Assad tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng thống trong khi cả Nga và Mỹ đều ra tối hậu thư nói rõ quan điểm riêng.
Việc Iran ủng hộ là cơ hội nhỏ nhoi để Tổng thống Assad có thể tại vị tại Syria

Tổng thống Syria Assad là giới hạn đỏ của Iran

Ngày 6/5, phát biểu trước báo giới, Cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của Đại giáo chủ Iran, ông Ali Akbar Velayati khẳng định, không một quốc gia bên ngoài nào được quyền quyết định số phận của Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống Assad là “giới hạn đỏ” của Tehran.

“Phía Nga cũng cho rằng ông Assad nên tiếp tục giữ cương vị Tổng thống Syria và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng nhấn mạnh rằng ông Assad nên tiếp tục tại vị và đây là giới hạn đỏ của chúng tôi”, ông Ali Akbar Velayati nhấn mạnh.

Giải thích cho tuyên bố của mình, ông Velayati khẳng định, Tổng thống Assad là người được nhân dân Syria lựa chọn và người dân Syria có quyền quyết định cuối cùng về vận mệnh đất nước.

Đây không phải là lần đầu tiên Iran lên tiếng ủng hộ và bênh vực chính quyền Tổng thống Assad trước sự phản đối của phương Tây.

Ông Ali Akbar Velayati khẳng định, không một quốc gia bên ngoài nào được quyền quyết định số phận của Syria

Còn nhớ, hôm 10/4, phát biểu trên kênh truyền hình Press TV, ông Velayati cũng khẳng định, Iran sẽ không chấp nhận việc phế truất ông Assad trước khi tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo ở nước này.

“Iran tin rằng Chính phủ của ông Bashar al-Assad nên tiếp tục tại nhiệm cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông và việc loại bỏ ông Assad là một giới hạn đỏ đối với chúng tôi”, ông Ali Akbar Velayati nói.

Bên cạnh đó, ông Velayati còn phản đối việc các thế lực bên ngoài gây sức ép buộc ông Assad phải ra đi, đồng thời nhấn mạnh chỉ có người dân Syria mới có thể quyết định về tương lai và tổng thống của họ.

Trước đó, tháng 9/2015, Tehran đã tỏ ra hết sức vui mừng khi biết tin nhiều lãnh đạo phương Tây đã thay đổi lập trường về Tổng thống Syria Bashar al Assad, với việc ủng hộ ông này tiếp tục nắm quyền, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

“Tôi nghĩ rằng hôm nay ai cũng đã chấp nhận rằng Tổng thống Assad phải tại vị để chúng ta có thể chống khủng bố”- Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với hãng tin CNN.

Không lâu sau đó, khi phát biểu với báo giới, ông Rouhani tiếp tục cho rằng, các nước cần phải chấp nhận việc Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền. Mục đích chính hiện nay đó là chống khủng bố tại Syria, thông qua việc tăng cường cho Chính phủ của Tổng thống Assad.

Không chỉ tuyên bố ủng hộ nhà lãnh đạo Damascus, Iran còn ngỏ ý sẵn sàng cho ông Assad tị nạn nếu cần thiết, song nhà lãnh đạo Syria đã từ chối.

Cơ hội nhỏ nhoi để ông Assad tại vị?

Tuyên bố của ông Velayati được đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ đang rơi vào ngõ cụt khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, cả Mỹ và Nga cũng đều lên tiếng bày tỏ thái độ cương quyết về tương lai của nhà lãnh đạo Damascus. Giới phân tích cho rằng, lời khẳng định của Tehran đã mở ra cơ hội nhỏ nhoi giúp Tổng thống Assad có thêm hi vọng trước sức ép ngày càng lớn của phương Tây.

Thực tế, Iran và Nga từng có chung quan điểm về việc sẽ dùng ảnh hưởng của mình để hối thúc các bên trong việc chấp nhận để ông Assad tiếp tục cầm quyền.

Tháng 11 năm ngoái, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei, cả Moskva và Tehran đã quyết tâm chống lại “mọi nỗ lực từ bên ngoài nhằm cản trở tiến trình hòa giải về chính trị tại Syria”, đồng thời, khẳng định chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của ông Assad trong các cuộc bầu cử sắp tới sau khi một lệnh ngừng bắn được thực thi.

Tuy nhiên, trước những sức ép từ các phía, điện Kremlin đang có những điều chỉnh để giải quyết các xung đột, làm dịu căng thẳng giữa các bên trước khi phiên đàm phán hòa bình mới diễn ra.

Ngày 4/5, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, Ngoại trưởng Lavrov đã tuyên bố ông Assad không phải là đồng minh của Nga như cách mà Thổ Nhĩ Kì là đồng minh của Mỹ.

“Tổng thống Assad không phải là đồng minh của chúng tôi. Nga giúp ông ấy chống lại khủng bố và bảo vệ sự toàn vệ lãnh thổ, tuy nhiên, ông ấy không phải là một đồng minh theo cái cách Thổ Nhĩ Kì đang là đồng minh của Mỹ”, Ngoại trưởng Lavrov nói.

Theo ông Lavrov, Nga dự kiến hòa đàm Syria tại Geneva sẽ được nối lại trong tháng này, song các điều kiện thích hợp vẫn chưa được đáp ứng để tiến hành các cuộc thương lượng trực tiếp do “những ý thích bất chợt” của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) và những nước khác, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau lời tuyên bố của ông Lavrov, Nhà Trắng cũng đưa ra một tối hậu thư với quan điểm cứng rắn đối với chính quyền Damascus trong quá trình chuyển giao chính trị.

“Ngày mục tiêu cho quá trình chuyển tiếp là 1/8/2016. Giờ đã là tháng 5 rồi. Nếu ông Assad không tuân thủ điều kiện này, chắc chắn sẽ có những hệ quả không như mong muốn”, ông Kerry tuyên bố.

Không chỉ đưa ra lời răn đe, Washington còn yêu cầu các bên tuân thủ nghiêm các thỏa thuận đã ký kết để tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình mới tại quốc gia Trung Đông này.

“Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan đến lệnh ngừng bắn này hãy tuân thủ thỏa thuận mới ở Aleppo một cách đầy đủ. Điều đó có nghĩa là chính phủ và phe đối lập có trách nhiệm như nhau trong việc thực thi lệnh ngừng bắn này. Chúng tôi cũng hy vọng họ có thể thiết lập lệnh ngừng bắn trên toàn đất nước”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Rõ ràng, trong bối cảnh cả Nga và Mỹ đều tỏ thái độ cứng rắn với Tổng thống Assad trong vấn đề ra đi thì việc Iran lên tiếng ủng hộ chính quyền Damascus không có nhiều ảnh hưởng to lớn. Nó như tia hi vọng nhỏ nhoi, giúp ông Assad có thêm hi vọng trước sức ép ngày càng dữ dội từ phương Tây.

Theo Đất Việt