Diễn biến câu chuyện này như sau.
Ngày 23/7/2018, do hệ thống phòng không quốc gia báo động nhầm bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn SS-21 của Syria phóng sang lãnh thổ của mình, Bộ chỉ huy Israel lần đầu tiên ra lệnh phóng hai tên lửa David’s Sling thuộc hệ thống phòng không siêu hiện đại trị giá hàng tỷ USD để đánh chặn. Đồng thời, Bộ chỉ huy phòng thủ dân sự Israel còn báo động cho hàng ngàn người dân nước này chạy xuống hầm trú ẩn.
Tuy nhiên, trên thực tế tên lửa SS-21 của Syria hóa ra được phóng đi trong khuôn khổ một vụ đụng độ giữa quân đội Syria và các lực lượng đối lập, chứ không nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel. Vì thế, hai tên lửa SS-21 không hề tiếp cận tới không phận Israel.
Sau khi hệ thống báo động phòng không của Israel nhận ra các tên lửa Syria chỉ có tầm bắn hạn chế và không gây nguy hiểm cho Israel, Bộ chỉ huy quân sự Israel ra lệnh cho hai tên lửa David’s Sling khi đó đang trên đường bay sang không phận Syria chuyển sang hoạt động theo chế độ tự hủy. Nhận được lênh này, một trong hai tên lửa của Israel tự nổ trên không, còn một tên lửa khác không thể thực hiện thành công lệnh tự hủy này và rơi nguyên vẹn trên lãnh thổ Syria.
Theo quy định của Israel, nếu một thứ vũ khí hiện đại của họ rơi trên lãnh thổ nước khác thì ngay lập tức khu vực bao quanh nơi vũ khí rơi sẽ bị hỏa lực của pháo binh tầm xa và tên lửa của Israel tấn công hủy diệt để đối phương không thể thu nhặt được bất cứ mẩu vật nào có liên quan còn sót lại. Để bảo mật tuyệt đối, quân đội Israel có thể điều động lực lượng cứu hộ khẩn cấp để xóa nốt vết tích vũ khí bị rơi.
Tuy nhiên, quân đội Israel đã không kịp thực hiện biện pháp bảo mật đó bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là, các trắc thủ Israel không thể định vị được chính xác tọa độ nơi tên lửa David’s Sling bị rơi. Lý do thứ hai là, chính người Nga, với hệ thống kiểm soát không phận Syria rất chặt chẽ, họ đã ngay lập tức xác định được nơi tên lửa David’s Sling rơi và điều động các trực thăng vũ trang tới đó để thu hồi “chiến lợi phẩm”.
Trong tình huống đó, phía Israel không thể sử dụng hỏa lực của pháo binh tầm xa và tên lửa để xóa dấu vết David’s Sling bởi họ không thể chỉ vì thu hồi quả tên lửa “xấu số” này mà phải chạm trán với lực lượng quân sự của Nga. Rút cuộc, Bộ chỉ huy Israel đành phải “bỏ của chạy lấy người”.
Giờ đây, một trong những công nghệ được coi là bí mật nhất của Israel ẩn chứa trong tên lửa đánh chặn David’s Sling đang được các chuyên gia kỹ thuật quân sự Nga “giải phẫu”. Điều đáng lo nhất của Israel không phải là những bí mật này nằm trong tay người Nga mà là không sớm thì muộn nó sẽ rơi vào tay Iran và lực lượng Hezbollah! Khi đó, việc để mất bí mật công nghệ quân sự này sẽ là thảm họa đối với hệ thống phòng không không chỉ của Israel mà là cả của Mỹ nữa.
Theo các chuyên gia quân sự, David’s Sling là tên lửa đánh chặn 2 tầng do Cơ quan nghiên cứu phát triển RADS (Rafael Advanced Defense Systems) của Israel thiết kế chế tạo, nhưng nhà thầu sản xuất tên lửa này lại là các công ty của Mỹ, trong đó có công ty nổi tiếng thế giới Raytheon. Đây là tổ hợp tên lửa đánh chặn có khả năng hủy diệt mục tiêu trong phạm vi từ cự ly 40-400 km, trong đó có tên lửa hành trình. Mỗi tên lửa David’s Sling có giá 1 triệu USD.
David’s Sling được cho là giải pháp thay thế tên lửa đánh chặn Patriot PAC-2 của Mỹ được cho là đã lạc hậu và hiện có trong trang bị của Quân đội Israel và nhiều nước Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó Ba Lan đã có kế hoạch mua nhiều dàn tên lửa này để “đối phó nguy cơ xâm lược từ Nga” (!?).
Có lẽ sau khi David’s Sling rơi vào tay người Nga, cả Mỹ và Israel lại phải làm lại từ đầu một phiên bản khác thay thế David’s Sling-một công việc cần tiêu tốn không phải là hàng trăm mà là hàng tỷ USD./.