|
Hàng loạt trái rocket được phóng từ Beit Lahia, Dải Gaza, về phía Israel (Ảnh: AFP) |
Phong trào Hamas ở Dải Gaza đã phóng hơn 1.000 trái rocket vào lãnh thổ Israel, xa tới tận vùng ngoại ô của Jerusalem. Do rocket của Hamas có độ chính xác không quá cao, và nhờ hệ thống phòng vệ dân sự tăng cường của Israel – dựa trên còi hú cảnh báo và hầm trú ẩn kiên cố - nên nước này không chịu quá nhiều tổn thất về sinh mạng.
Vòm Sắt – hệ thống phòng không do Israel sản xuất trong nước – đã đánh chặn được 90 – 95% rocket của Hamas nhắm tới các khu vực đông dân hoặc cơ sở hạ tầng nhạy cảm.
Thế nhưng, một số hãng tin ở Israel và cả các hãng tin tiếng Do Thái ở bên ngoài Israel, vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về Vòm Sắt. Các câu hỏi không phải liên quan tới tính hiệu quả của Vòm Sắt khi phòng thủ trên không, mà liên quan tới việc sở hữu Vòm Sắt đã khiến cho Israel quá tự tin trong việc ngăn chặn rocket mà Hamas phóng ra, từ đó ít quan tâm tới mối đe dọa từ phong trào này.
Giờ đây, trong các cuộc tấn công dồn dập của Hamas, Israel cần phải quyết định xem liệu sức mạnh trên không đã đủ để ngăn chặn Hamas, hay cần phải sử dụng tới lính bộ binh. Và theo thông tin mới nhất thì Israel đã triển khai lực lượng dưới mặt đất tới sát biên giới với Gaza.
Xét theo khía cạnh nào đó, những người phê bình đã đúng. Vòm Sắt, cùng với các hệt thống phòng không khác của Israel, đã tạo cho chính phủ nước này lòng tin rằng họ có thể kiểm soát tốt những mối đe dọa khủng bố. Giới lãnh đạo Israel tin rằng, Hamas và Hezbollah đều tăng cường khả năng rocket và tên lửa một cách có hệ thống, nhờ vào nguồn cung từ phía Iran.
Không phải là Israel chưa từng cố ngăn chặn nguồn cung tên lửa này, đặc biệt là các mẫu mới hơn có độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn so với các mẫu cũ. Israel đã từng nhiều lần nỗ lực cắt đứt nguồn cung này, dù là trên biển như trường hợp của Gaza, bằng cách đánh bom các nhà kho hay điểm trung chuyển như trường hợp của Syria.
|
Lực lượng an ninh Israel khốn chế một nhóm người nổi dậy ở thành phố Lod tập trung cả người Do Thái và Arab, ngày 13/5 (Ảnh: AFP) |
Vòng luẩn quẩn
Không may thay, những nỗ lực đó rõ ràng là chưa hiệu quả, và cả Hezbollah lẫn Hamas đều có kho dự trữ đạn dược rất lớn.
Ngoài chính sách ngăn chặn nguồn cung vũ khí như trên, Israel cũng đáp trả mạnh tay hết lần này đến lần khác, mỗi khi Hamas hay Hezbollah sử dụng vũ khí nhằm vào các mục tiêu Israel.
Các thành thị nằm gần Dải Gaza, đáng chú ý nhất là Sderot và Ashkelon, liên tục hứng chịu các đòn tấn công trong vài năm trở lại đây. Thường thì Israel sẽ tung đòn trả đũa, Hamas “dịu lại” và đề nghị một lệnh ngừng bắn…sau đó vòng lặp này lại tiếp diễn.
Điều khác biệt hiện nay là, các cuộc tấn công không chỉ xảy ra gần biên giới mà giờ đã lan tới trung tâm của Israel, trong đó có thủ đô Tel Aviv và các vùng ngoại ô của nó, thậm chí các đòn tấn công của Hamas còn đồng bộ với các cuộc nổi dậy Intifada của người Arab ở Israel đôi lúc còn gọi là người Palestine ở Israel, mặc dù họ là công dân Israel.
Cơ quan tình báo Israel, vốn có đẳng cấp tầm cỡ thế giới, dường như đã thất bại trong việc liên hệ phòng trào nổi dậy ở trong nước với Hamas.
Mặc dù đợt tấn công lần này khác với các cuộc tấn công của Hamas lần trước, nhưng nó vẫn là một thách thức đáng gờm. Trong suốt 12 năm cầm quyền, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các của ông đã liên tục phản đối việc điều quân tới Gaza. Họ cho rằng mối đe dọa từ Hamas là “có thể kiểm soát” và dựa vào Vòm Sắt cùng các chiến dịch không kích để duy trì lòng tin của người dân.
Tại sao ông Netanyahu lại phản đối những lời kêu gọi tấn công Hamas ở Gaza? Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, đòn tấn công của Hamas chỉ gây tổn thất tối thiểu cùng con số thương vong hạn chế, chưa đủ để trở thành mối đe dọa tới sự tồn vong của Israel. Thứ hai, giữ cho binh sĩ mặt đất tránh xa khỏi Gaza sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, bởi Israel cảm thấy Mỹ có thể chịu ảnh hưởng nếu như họ có hành động quân sự “mạnh mẽ”. Thứ ba, một cuộc tấn công lớn trên mặt đất sẽ chấm dứt mọi triển vọng đạt thỏa thuận hòa bình với người Palestine ở Bờ Tây.
|
Công tác cứu hộ tại một tòa nhà bị đổ sập do đòn không kích của Israel ở Beit Lahia, Dải Gaza, ngày 13/5 (Ảnh: AFP) |
“Lằn ranh đỏ” của ông Netanyahu
Trong số 3 nguyên nhân, thì nguyên nhân đầu tiên – tổn thất tối thiểu và con số thương vong không đáng kể - giờ đã bị vượt qua, bởi phần lớn lãnh thổ Israel giờ đã hứng đòn tấn công. Ông Netanyahu gọi đây là một “lằn ranh đỏ”.
Nguyên nhân thứ ba, một thỏa thuận hòa bình với người Palestine, giờ cũng không còn, do Chính quyền Palestine liên tục kích động công dân Israel gốc Arab nổi dậy.
Nguyên nhân thứ hai, Israel cần phải có sự ủng hộ của Washington nếu khởi động một cuộc chiến tổng lực. Không có gì nghi ngờ khi Israel có thể thực hiện một đòn tấn công quy mô lớn hơn vào thời điểm chính quyền Donald Trump còn nắm quyền. Còn chính quyền Joe Biden hiện tại lại ít thân hơn với Israel, mặc dù Tổng thống Biden có nói như thế nào. Ông Biden còn muốn đạt một thỏa thuận địa-chính trị với Iran.
|
Hệ thống Vòm Sắt được kích hoạt để đánh chặn rocket từ Dải Gaza ngày 12/5 (Ảnh: AFP) |
Nói cho cùng, kẻ thù thực sự của Israel chính là Iran. Mọi thứ vũ khí tấn công họ đều bắt nguồn từ Iran. Ngay cả tiền, được rửa tại Qatar, cũng bắt nguồn từ Iran. Vậy câu hỏi ở đây là liệu Israel có nên đối phó trực tiếp luôn với Iran? Hay họ sẽ bằng lòng với một giải pháp cấp độ địa phương, chấp nhận lệnh ngừng bắn cho đến khi vòng lặp này tái diễn? Chắc chắn cơ quan an ninh của họ đang cân nhắc những lựa chọn.
Và quyết định về chính sách của Israel không liên quan gì tới Vòm Sắt. Vòm Sắt không phải một chính sách – nó là một hệ thống phòng không mà dù cho chính phủ Israel có đưa ra quyết định thế nào, vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ đất nước này khỏi nhiều đòn tấn công.
Theo Asia Times