'Hệ sinh thái' của Samsung tại 'cứ điểm' Việt Nam: Có cả hóa chất, bán cơm, du lịch, bảo hiểm,...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chaebol hàng đầu Hàn Quốc không chỉ tích cực ''tiến quân'' vào mảng điện thoại & linh kiện điện tử, mà còn vào cả hóa chất, xây dựng, đến du lịch, IT, bảo hiểm,…
'Hệ sinh thái' của Samsung tại 'cứ điểm' Việt Nam: Có cả hóa chất, bán cơm, du lịch, bảo hiểm,...

Sáng 23/12/2022, lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung đã diễn ra tại Hà Nội. Với tổng diện tích 79.522 m2, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, đây là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 18 trung tâm R&D của Samsung trên khắp thế giới.

Ông Lee Jae-yong - Chủ tịch Samsung đã đích thân đến Hà Nội để dự lễ khánh thành trung tâm R&D mới này.

Samsung cho đến thời điểm này, vẫn luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Liên tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam, sau 14 năm, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng gấp 29 lần (từ 670 triệu USD năm 2008 lên 19 tỷ USD năm 2021). Con số này dự kiến sẽ vượt quá 20 tỷ USD vào năm 2022.

Năm 2021, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Con số doanh thu này không chỉ đến từ mảng Điện thoại & Linh kiện điện tử - nhân tố chủ lực, mà còn từ hệ sinh thái các công ty “đồ sộ” hoạt động trong loạt lĩnh vực khác. Chaebol hàng đầu Hàn Quốc còn tích cực ''tiến quân'' vào ngành sản xuất phụ tùng ô tô, hóa chất, tiêu dùng đến xây dựng, du lịch - khách sạn, IT, bảo hiểm,…

Các nhà máy Điện thoại & Linh kiện điện tửTiêu dùng của Samsung trong thời gian qua đã đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu.

9 tháng đầu năm, 4 nhà máy của Samsung Electronics tại Việt Nam là Samsung Thái Nguyên (SEVT), Samsung Bắc Ninh (SEV), Samsung Display Việt Nam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) ghi nhận doanh thu đạt 56,5 tỷ USD, tăng 30,9% cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ Samsung Thái Nguyên với 23,2 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam.

Trong mảng xây dựng, Samsung Engineering là cái tên có nhiều dấu ấn nhất tại thị trường Việt Nam. Công ty này vừa bắt tay AMECC làm Dự án Trung tâm Module Toàn Cầu vào cuối tháng 11/2022, lắp đặt thành công mô-đun đơn vị polypropylene khổng lồ cho dự án hóa dầu Long Sơn và cũng là một cổ đông lớn của DNP Water (nắm 24% vốn).

Tại ngành nhựa/hóa chất, Samsung tham gia vào thị trường Việt Nam với 2 đại diện là Samsung Polymer Vietnam và Samsung Chemtech Vina.

Samsung SDS - nhân tố trong mảng IT của Samsung cũng chọn Việt Nam làm điểm đến trong hệ thống 40 quốc gia đang phủ sóng.

Với lực lượng nhân công lớn, bản thân Samsung cũng lập riêng một công ty đảm nhiệm việc cung cấp suất ăn cho lao động là Samsung Welstory.

Tham vọng mở rộng ''chân rết'' của Samsung tại Việt Nam còn được thấy trong ngành bảo hiểm với Samsung Vina Insurance; hay du lịch - với một trong những dự án nổi bật là khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram Quangnam Danang do The Shilla - công ty con của Samsung vận hành.

Nhìn chung, Samsung đã thực sự biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Và bức tranh đầu tư chiến lược của Samsung đã trở nên hoàn thiện hơn vào cuối năm 2022 khi "mảnh ghép" R&D quan trọng được hoàn thành. Samsung cũng đang tiến hành phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và Network tại Việt Nam.

(*) Tít bài viết đã được thay đổi. Tít gốc: Đưa Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình, Samsung thiết lập hệ sinh thái gồm cả hóa chất, bán cơm, du lịch, bảo hiểm...

Theo Nhịp sống thị trường