Hệ lụy từ những “phế tích 5 sao” ở miền Trung (Kỳ-2)

Tại TT-Huế, việc cấp đất cho dự án (DA) nhưng chậm triển khai, kéo dài từ năm này sang năm khác đã xảy ra tình trạng rừng phòng hộ bị chặt phá bừa bãi, cát bị khai thác ồ ạt...
Một DA Resort ven biển xã Lộc Vĩnh sau nhiều năm được cấp phép đến nay vẫn là bãi đất trống.
Một DA Resort ven biển xã Lộc Vĩnh sau nhiều năm được cấp phép đến nay vẫn là bãi đất trống.

Dự án “treo” tàn phá môi trường

Phá rừng, khai thác cát lậu

Ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (H. Phú Lộc) cho biết, năm 2001, UBND tỉnh đã giao 153ha rừng dẻ nguyên sinh cho thôn Phú Hải 2 quản lý theo hình thức cộng đồng. Quá trình quản lý có quy ước, trường hợp nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, từ khi số diện tích này bàn giao cho DA thì rừng dẻ nguyên sinh trong vùng DA đã và đang bị người dân chặt phá để trồng tràm chờ đền bù, thu lợi... Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 5ha rừng này bị người dân chặt phá. “Người dân có làm bừa khi chặt rừng, trồng xen lấn vào rừng dẻ vì đời sống túng quẫn, chờ quy hoạch treo được tháo gỡ nhưng chẳng thấy đâu. Chúng tôi đã làm bảng nghiêm cấm chặt dẻ, nhưng vì lực lượng mỏng không làm xuể” - ông Ga nói.

Tại DA ven biển Thiên Đường ở xã Lộc Vĩnh, sau nhiều năm cấp phép vẫn chỉ là bãi sa mạc hoang, còn rừng dẻ nguyên sinh cũng đã bị chặt trụi từ lâu, chỉ còn lại bãi cát. Tương tự, DA ven biển Hòa Bình, mặc dù không hề triển khai xây dựng kể từ khi được cấp phép, nhưng nhiều đồi cát thuộc khu vực DA đã và đang bị tàn phá. Nhiều cồn cát phòng hộ ven biển đã bị đào bới tan hoang. Trước tình trạng khai thác cát trái phép này, năm 2014, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư quản lý tốt khu đất được giao và sớm triển khai các DA đã được cấp phép. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh nạn khai thác cát trái phép ở xã Lộc Vĩnh. Ông Bùi Ngọc Ga cho rằng, việc rừng và những dải cồn cát phòng hộ ven biển ở thôn Phú Hải 2 bị tàn phá đã và đang gây ra nạn cát bay và sạt lở bờ biển. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì hậu quả địa phương phải gánh chịu sẽ rất nặng nề.

Treo” đến khi nào?

Các DA “treo” ven biển tồn tại lâu năm không chỉ ở các bãi biển của H. Phú Lộc mà một số DA ở bãi biển Thuận An, Phú Thuận (H. Phú Vang) cũng đang trong tình trạng “án binh bất động”. Tại các buổi họp tiếp xúc cử tri, người dân H. Phú Vang đã nhiều lần phản ánh các DA ven biển chậm triển khai, khiến cho cuộc sống người dân gặp khó khăn. DA Khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ tắm biển Thuận An của Cty TNHH Mạc Lê được tỉnh UBND tỉnh TT-Huế cấp phép năm 2012 tại thôn Hải Thành và Minh Hải (TT Thuận An, H. Phú Vang) với diện tích 10,97ha; tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, DA chỉ mới kiểm kê đất đai và tài sản trên đất để lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư chứ chưa triển khai thi công trên thực địa. Theo HĐND tỉnh TT-Huế, tại giấy chứng nhận đầu tư, DA khởi công vào tháng 3-2013, hoàn thành vào giữa năm 2014. Như vậy, DA chậm tiến độ so với cam kết và hiện UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng DA cho đối tác có năng lực tiếp tục triển khai. “Đã mấy năm nay, cứ đến mùa mưa bão là cả nhà tui đứng ngồi không yên vì nhiều hạng mục trong nhà xuống cấp. Gia đình có dành dụm được ít tiền, nhiều lần định sửa sang nhưng nghe DA sắp triển khai phải chuyển đi nơi khác nên nghĩ tiếc của mà không làm. Thế nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy DA làm” - một người dân bức xúc.

Hệ lụy từ những “phế tích 5 sao” ở miền Trung (Kỳ-2) ảnh 1

Sau nhiều năm được cấp phép nhưng không triển khai xây dựng, năm 2014 tình trạng khai thác cát lậu ngang nhiên diễn ra tại DA ven biển Thiên Đường.

Một DA nữa là DA Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế do Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghiệp Việt Nam đầu tư tại xã Phú Thuận (H. Phú Vang) được cấp giấy chứng nhận năm 2008, thay đổi lần thứ nhất năm 2012 với diện tích 72ha; tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Theo báo cáo của nhà đầu tư, DA đã xây dựng được một số hạng mục khoảng 30 tỷ đồng, song vẫn chậm tiến độ theo cam kết và hiện nay DA tạm ngừng thi công trên thực địa...

Hàng loạt DA “treo” ven biển kéo dài ở địa bàn TT-Huế đã gây nhiều bức xúc cho người dân, vừa qua, UBND tỉnh thu hồi 8 DA đầu tư chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư, chưa triển khai hoặc chậm triển khai trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc H. Phú Lộc, trong đó có 2 DA ven biển gồm: DA Khu biệt thự, du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Cty CP Đầu tư - Xây dựng và Trang trí nội thất Handico và DA Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô của Cty Pegasus Fund 2-LLC Việt Nam. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành thẩm định một số DA khác vẫn đang chậm triển khai để tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tiếp tục hỗ trợ triển khai, hoặc có chủ trương thu hồi theo luật định.

Về nguyên nhân các DA chậm triển khai trên địa bàn tỉnh TT-Huế, ông Phan Thiên Định - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh TT-Huế cho biết: theo quy định khi cấp giấy phép đầu tư, nhà đầu tư phải có trách nhiệm kê khai năng lực tài chính. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì doanh nghiệp chỉ có 20% vốn tự có, phần còn lại là họ vay ngân hàng. Do các doanh nghiệp vay ngân hàng không được mới dẫn đến tình trạng DA “treo”, DA chậm...