|
Ông Peter Ben Embarek, Trưởng nhóm điều tra quốc tế của WHO tiết lộ các chuyên gia WHO và Trung Quốc đã bất đồng sâu sắc về khả năng virus rò rỉ và nhóm điều tra không được tham khảo tài liệu của Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle). |
Ngoài ra, một bộ phim tài liệu của Đan Mạch đã phơi bày sự bất đồng quan điểm giữa các chuyên gia của WHO và các chuyên gia Trung Quốc trong cuộc điều tra giai đoạn đầu về nguồn gốc của SARS-CoV-2 ở Vũ Hán hồi đầu năm nay.
WHO đốc thúc Trung Quốc hợp tác điều tra truy xuất giai đoạn hai
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 13/8, hôm Thứ Năm, 12/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thúc giục Trung Quốc chia sẻ các dữ liệu nguyên thủy liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19 sớm nhất để khôi phục lại cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 và công bố thông tin để giải quyết giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm gây tranh cãi.
WHO nhấn mạnh rằng việc làm rõ nguồn gốc của đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ đang diễn ra là “cực kỳ quan trọng”. Kể từ khi loại virus corora chủng mới (SARS-CoV-2) xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, loại virus này đã khiến ít nhất 4,3 triệu người chết và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.
Vào tháng 7, Trung Quốc cho biết họ sẽ không chấp nhận kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn hai của WHO, cho rằng kế hoạch này cho thấy sự “thiếu tôn trọng đối với kiến thức thông thường” và "thái độ kiêu ngạo đối với khoa học".
|
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đốc thúc Trung Quốc hợp tác quốc tế điều tra giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm (Ảnh: Deutsche Welle), |
Trước sự phản công của Bắc Kinh, WHO đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy cung cấp "tất cả các dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để nhanh chóng bắt đầu giai đoạn nghiên cứu tiếp theo càng". Trong một tuyên bố về việc thúc đẩy giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus, WHO nhấn mạnh rằng cuộc tìm kiếm không phải để "quy kết cho ai" hoặc để đáp ứng nhu cầu về chính trị.
WHO bày tỏ: “Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm việc kiểm tra thêm dữ liệu gốc từ các trường hợp bị bệnh COVID-19 sớm nhất và huyết thanh của các ca bệnh sớm đã nhiễm vào năm 2019. Việc thu thập dữ liệu là vô cùng quan trọng để phát triển hiểu biết của chúng ta đối với khoa học”.
WHO cho biết họ đang hợp tác với một số quốc gia đã thông báo về việc phát hiện coronavirus chủng mới trong các mẫu vật sinh học được lưu trữ vào năm 2019. Ví dụ, tổ chức này cho biết tại Italy, họ đã xúc tiến sự đánh giá độc lập của các phòng thí nghiệm quốc tế, bao gồm xét nghiệm lại các mẫu máu được lấy trước khi dịch bệnh bùng phát.
WHO cho biết: "Chia sẻ các dữ liệu gốc ban đầu và cho phép kiểm tra lại các mẫu được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm bên ngoài Italy, điều này phản ánh sự đoàn kết khoa học tốt nhất. Điều này không khác việc chúng tôi khuyến khích sự ủng hộ từ tất cả các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc. Điều này cho phép chúng tôi thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả việc nghiên cứu về nguồn gốc của virus".
|
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva Thụy Sĩ (Ảnh: Đông Phương). |
Trung Quốc viết thư cho WHO về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Sau khi đọc lại báo cáo về cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn đầu, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng cuộc điều tra của nhóm chuyên gia đối với phòng thí nghiệm của Viện Virrus Vũ Hán hồi đầu năm nay là chưa đủ kỹ lưỡng. Từ lâu nay, giả thuyết về coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) rò rỉ từ phòng thí nghiệm bị coi là thuyết âm mưu của phe cánh hữu và bị chính phủ Trung Quốc phản đối kịch liệt, nhưng sự ủng hộ của quốc tế đối với giả thuyết này ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thường nhấn mạnh giả thuyết này khi còn đương nhiệm. Sau khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden nhậm chức, ông cũng yêu cầu các cơ quan tình báo của Mỹ tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 3 tháng về một số giả thuyết, trong đó có giả thuyết virus rò rỉ ở phòng thí nghiệm.
WHO cho biết: "Trung Quốc và một số quốc gia thành viên khác đã gửi một lá thư tới WHO liên quan đến nghiên cứu sâu hơn về giả thuyết liệu SARS-CoV-2 có bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không. Họ cho rằng nghiên cứu về nguồn gốc của virus đã bị chính trị hóa và thậm chí còn tuyên bố rằng WHO áp dụng các hành động liên quan là do thực hiện dưới áp lực chính trị. Để hiểu rõ hơn về giả thuyết ‘rò rỉ trong phòng thí nghiệm’, WHO phải thu thập tất cả dữ liệu, xem xét các phương pháp khoa học tốt nhất và nghiên cứu các cơ chế mà WHO đã thiết lập”.
|
TRưởng nhóm Trung Quốc Lương Vạn Niên bắt tay thành viên nhóm điều tra của WHO trước cuộc họp báo công bố kết quả điều tra hôm 9/2. Người đứng giữa là ông Peter Embarek (Ảnh: AP). |
Ngoài ra, WHO còn nói thêm rằng việc phân tích và cải thiện các quy trình và an toàn trong phòng thí nghiệm là rất quan trọng đối với an ninh và an toàn sinh học tập thể toàn cầu.
Phim tài liệu của Đan Mạch phơi bày tranh chấp giữa WHO và các chuyên gia Trung Quốc
Cùng lúc đó, nhà khoa học Đan Mạch Peter Ben Embarek, người dẫn đầu một phái đoàn quốc tế đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 vào đầu năm nay, đã tuyên bố trong một bộ phim tài liệu do Đài truyền hình công cộng TV2 của Đan Mạch sản xuất rằng, một nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh khi lấy mẫu tại hiện trường, là một trong những giả thuyết khả thi về cách thức virus lây truyền từ dơi sang người.
Ông nói rằng những con dơi khả nghi không phải sống trong tự nhiên ở Vũ Hán và những người duy nhất có thể tiếp cận chúng là các nhân viên của Viện Virrus Vũ Hán. Ông cũng tiết lộ rằng cho đến 48 giờ trước khi kết thúc nhiệm vụ, các nhà khoa học quốc tế và Trung Quốc vẫn không thể đạt được sự thống nhất về nội dung của thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm được đề cập trong báo cáo.
Ông Embarek cho biết, nhóm chuyên gia của WHO chỉ được phép đến thăm hai phòng thí nghiệm đang tiến hành nghiên cứu về loài dơi sau khi trao đổi với các nhà khoa học Trung Quốc. Ông nói trong bộ phim tài liệu rằng khi đến thăm hai phòng thí nghiệm, các chuyên gia của WHO lẽ ra nên có quyền giải thích, có thể phát biểu và đặt các câu hỏi mà họ muốn, nhưng họ đã không có cơ hội tham khảo bất kỳ tài liệu nào.
|
Ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc từ chối tham gia kế hoạch điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: China.com). |
Ông cũng nói rằng không có con dơi bị nghi ngờ mang SARS-CoV-2 nào sống trong tự nhiên xung quanh Vũ Hán. Ông nói rằng những người duy nhất có thể tiếp cận những con dơi như vậy là các nhân viên của Viện Virrus Vũ Hán.
Trang tin Hồng Kông Đông Phương sáng 13/8 cũng đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một tuyên bố vào thứ Năm (12/8), nhấn mạnh cần thiết phải có "tất cả dữ liệu" về coronavirus chủng mới để điều tra giả thuyết rằng loại virus này có thể bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm của Trung Quốc, đồng thời thúc giục tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, chia sẻ dữ liệu về những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên và nói đây không phải là một vấn đề chính trị.
Đông Phương viết, hồi tháng trước, Trung Quốc cho biết họ sẽ không chấp nhận giai đoạn thứ hai của quá trình điều tra truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO; nói rằng “hành động này phản ánh sự thiếu tôn trọng kiến thức thông thường và thái độ kiêu ngạo đối với khoa học”. Phía Trung Quốc nhấn mạnh, “nhóm chuyên gia của WHO sau chuyến khảo sát thực địa trước đó đã kết luận rằng virus này rất khó có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Kết luận này cần được tôn trọng; đặc biệt là phần đã có kết luận rõ ràng thì không nên lặp lại việc điều tra” (!?).