|
Theo báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) lần thứ 5 diễn ra mới đây do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, một danh sách với hàng loạt KCN trong diện “báo động” đã được nhắc tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với các KCN thuộc nhóm 4 (có tỉ lệ lấp đầy thấp, chưa đền bù GPMB và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng), trong số 14 KCN thì có 5 KCN đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, bao gồm: KCN Quang Minh II (Hà Nội), KCN Cộng Hòa – Chí Linh và KCN Cẩm Điền – Lương Điền (Hải Dương), KCN Kim Động (Hưng Yên) và KCN Phong Phú (TPHCM).
Cũng theo cơ quan đầu tư, KCN Minh Quang (325 ha), KCN Vĩnh Phúc (383 ha), KCN Ngọc Long (149 ha), KCN Megastar (149 ha) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang KCN.
Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Ban quản lý các KCN khẩn trường làm các thủ tục thu hồi Giầy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty TNHH Phúc Hưng (Đài Loan) và chuyển đổi chủ dầu tư dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điện cho Công ty cổ phần phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore; yêu cầu chủ đầu tư KCN Cộng Hòa – Chí Linh (Hải Dương) khẩn trương xây hạ tầng để thu hút đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo ban Quản lý các KCN yêu cầu chủ đầu tư KCN Kim Động khẩn trương xây dựng hạ tang để thu hút đầu tư, rà soát và đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020 đối với các KCN Minh Quang, KCN Vĩnh Khúc, KCN Ngọc Long và KCN Megastar.
Một số dự án trong nhóm 4 nhưng vẫn đang xử lý và vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, KCN Long Sơn (có diện tích 1.250 ha) đã được điều chỉnh giảm xuống còn 850 ha vào tháng 9/2013, song đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.
KCN Bắc Thường Tín (429 ha) và KCN Phụng Hiệp (175 ha) chưa triển khai do quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín và quy hoạch xây dựng đường vành đai IV đi qua KCN Phụng Hiệp chưa được phê duyệt.
Để giải quyết hai dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng đường vành đai IV đi quan KCN Phụng Hiệp (Hà Nội). Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị mang ký hiện GN và quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín.
KCN Đức Hòa III – Liên Thành (93 ha) và KCN Đông Nam Á (396 ha) tại Long An gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông từ KCN ra bên ngoài.
Nhằm tháo gỡ, UBND tỉnh Long An được yêu cầu sớm đầu tư nâng cấp, mở rồng tuyến đường ngoài hàng rào KCN Đức Hòa III và KCN Đông Nam Á; hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác GPMB. Trường hợp phần diện tích đất KCN khó có khả năng đề bù, GPMB thì giảm diện tích quy hoạch. Đồng thời, tỉnh Long An cũng được lưu ý cần “xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với chủ đầu tư có khó khăn về tài chính để giao cho chủ đầu tư khác có năng lực”.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần này cũng hé lộ thông tin về một số KCN thuộc nhóm 5 (đã thu hồi hoặc đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư).
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi KCN Bá Thiện và giao cho Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Bán Thiện giao đoạn 1. Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp GCNĐT điều chỉnh giảm quy mô KCN Bình Xuyên II từ 485,1 ha xuống còn 45,6 ha; phần diện tích còn lại đang kêu gọi nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản).
Ngoài ra, trong diện này, KCN Nam Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 204 ha cũng đã bị Ban Quản lý các KCN tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Với KCN Du Long, tỉnh Ninh Thuận có diện tích 407 ha, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đang làm thủ tục thu hồi Giấy phép.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có yêu cầu đối với UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Cà Mau chỉ đạo ban quản lý các KCN, KKT sớm tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng các KCN đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư với KCN Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), Du Long (Ninh Thuận) và tìm kiếm chủ đầu tư khác có năng lực.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo vừa rồi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đưa ra nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của các KKT, KCN hiện vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 65% diện tích cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, “tinh thần là kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Theo: Fica