HBRE Group: “Đế chế” năng lượng của ông Hồ Tá Tín

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại ngày 31/12/2019, CTCP Giải pháp năng lượng gió HBRE có tổng tài sản 1.702 tỉ đồng, lớn bậc nhất so với các doanh nghiệp giữ ‘họ’ HBRE. Song, doanh nghiệp dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên đã đổi chủ.
Ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HBRE Group
Ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HBRE Group

Loạt dự án phong điện rời tay HBRE Group

Dấu hiệu đổi chủ tại Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Power) xuất hiện vào ngày 28/12/2016, khi ông Vũ Quang Dũng (SN 1977) thay thế nhà sáng lập HBRE Group Hồ Tá Tín (SN 1979) làm Chủ tịch HĐQT.

Ít ngày sau, ông Dũng thế chấp 3 triệu cổ phần HBRE Power, tương đương 10% vốn điều lệ, tại một nhà băng. Thương vụ diễn ra trước khi dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên của HBRE Power khởi công giai đoạn 1, với công suất 28,8MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng.

Nắm 70% vốn của HBRE Power là một pháp nhân khá xa lạ với phần đông thị trường - Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo (Năng lượng tái tạo).

Công ty này được thành lập vào tháng 6/2016, tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng tái tạo IBS (IBS – RE), do Công ty Cổ phần Giải pháp toà nhà thông minh (nay là Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp dịch vụ Việt Nam, địa chỉ tại Hà Nội) sáng lập.

Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 6/2018, Năng lượng tái tạo có quy mô vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông cũng có nhiều thay đổi, bao gồm: ông Vũ Quang Dũng (60% VĐL), ông Lê Anh Tùng (20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (20% VĐL).

Ông Lê Anh Tùng cùng với các bà Lê Thị Ngọc Oanh và Lê Quỳnh Lâm, là những cổ đông sáng lập của CTCP Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam.

Trong đó, bà Lê Thị Ngọc Oanh là cổ đông sáng lập, nắm cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần Năng lượng Mirat Việt Nam – đối tác liên danh cùng CTCP Đầu tư HLP (HLP Invest) đề xuất làm Dự án cánh đồng gió biển Cổ Thạch 4,4 tỉ USD ngoài khơi tỉnh Bình Thuận mà VietTimes từng đề cập.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, sau khi đổi chủ, HBRE Power mất thêm hai năm mới bắt đầu có lãi. Năm 2019, HBRE Power (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu 19,2 tỉ đồng, báo lãi vỏn vẹn 1,7 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 1.702,7 tỉ đồng, cao gấp 5,7 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài HBRE Power, hai dự án năng lượng tái tạo khác đã được HBRE Group chuyển nhượng cho Tập đoàn Super Energy Corporation thông qua việc ‘thay ruột’ doanh nghiệp dự án.

Đó là Công ty Cổ phần HBRE Phú Yên (HBRE Phú Yên) - chủ đầu tư dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ giai đoạn 1, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, tại Phú Yên; và CTCP Phong điện HBRE Gia Lai (HBRE) – chủ đầu tư dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông giai đoạn 1, công suất 50MW, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng.

"Đế chế" năng lượng HBRE Group

HBRE Group là một trong số các tập đoàn tư nhân sớm thực đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chia sẻ tại một buổi toạ đàm vào tháng 10 năm ngoái, ông Hồ Tá Tín đánh giá cao nguồn ‘nguyên liệu’ cho điện gió tại Việt Nam, song việc làm điện gió có rất nhiều rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là chính sách.

Ông Hồ Tá Tín cho biết muốn làm dự án điện gió buộc phải đo gió tối thiểu là 12 tháng liên tục tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, do đó, thời gian xây dựng dự án và phát triển điện gió cũng kéo dài hơn.

Trước khi lấn sân vào lĩnh vực điện gió, vị doanh nhân sinh năm 1979 dường như có mối quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực bất động sản. Ít ai biết rằng, Công ty TNHH Tập đoàn HBRE (HBRE) tiền thân là Công ty TNHH H&Brothers Real Estate, được thành lập từ tháng 11/2010.

Tháng 8/2017, H&Brothers Real Estate được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận tổ chức khảo sát, lập dự án nhà máy điện gió HBRE – Hà Tĩnh tại khu vực dãy Hoành Sơn, thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh.

Tới tháng 1/2018, H&Brothers Real Estate được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy Điện gió HBRE – Phú Yên với tổng vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng, tại các xã An Lĩnh, An Thọ, An Mỹ, An Hòa và An Hiệp, huyện Tuy An.

Ngoài các dự án kể trên, HBRE Group còn được biết tới là chủ đầu dư dự án HBRE Vũng Tàu công suất 500MW, có tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỉ USD.

Đáng chú ý, phải tới tháng 6/2019, HBRE mới thay đổi đăng ký ngành nghề kinh doanh chính từ “Bán buôn ô tô và xe có động cơ khác” sang “sản xuất điện”.

Trước đó, vào tháng 3/2019, HBRE đã tăng vốn gấp 10 lần, từ 100 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Hồ Tá Tín sở hữu 90% vốn điều lệ, bà Phan Thị Thanh Thuỷ (cùng địa chỉ thường trú với ông Hồ Tá Tín) sở hữu 9% vốn điều lệ, ông Phan Thành Luận sở hữu 1% vốn điều lệ.

Dù là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của doanh nhân Hồ Tá Tín, song bức tranh tài chính riêng lẻ của HBRE lại gây bất ngờ về sự khiêm tốn. Sau 3 năm liên tiếp báo lỗ, tới năm 2019, HBRE mới bắt đầu có lãi, đạt mức 11,1 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của HBRE chỉ vỏn vẹn 51,4 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2018.

Ngày 22/2/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định về việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh của Công ty Cổ phần Phong điện HBRE Hà Tĩnh. Dự án dự kiến sẽ lắp đặt 25 tuabin gió, công suất 120MW, trên diện tích 25,88ha tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh./.