Từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho tới Iran và Italy, viurs corona chủng mới tiếp tục gây ra nỗi sợ hãi và gánh nặng cho nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới. Các chuyến bay và sự kiện công chúng bị hủy, chính phủ các nước đóng cửa biên giới, thương mại toàn cầu chậm lại. Nỗi lo của người dân tăng dần, thậm chí nhiều người đổ xô đi mua, tranh giành nhau những chiếc khẩu trang.
Nhưng đối với những chuyên gia trong ngành y tế, COVID-19 cũng chỉ là một trong số nhiều dịch bệnh từng đến và đi mà không gây ra tổn thất mang tính hủy diệt đối với nhân loại.
Nhà virus học Dmitry Lvov – nhà khoa học nổi tiếng từng nghiên cứu những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới dưới thời Liên bang Xô viết – mới đây đã đưa ra nhiều lý giải thú vị về virus corona chủng mới trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Anton Krasovsky trong seri phim tài liệu mang tên “Bệnh dịch” của kênh RTD, Nga.
COVID-19 nguy hiểm hơn các chủng virus khác?
Virus corona chủng mới, đến nay đã khiến hơn 3.100 người tử vong, rất khos chống lại bởi nó nhanh chóng tấn công vào vùng thấp của hệ hô hấp, khiến cho máu và oxy lao vào các túi phổi. Hậu quả là “máu, huyết tương và nhiều thành phần khác của máu gây ra chứng phù phổi, khiến cho bệnh nhân không thể thở và tử vong”, ông Lvov nói.
Trong khi gần 90.000 ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới, thì “bệnh cúm cũng lây nhiễm khoảng 5 triệu người”. Và mặc dù có tỷ lệ tử vong thấp hơn, nhưng bệnh cúm vẫn “khiến nhiều người tử vong hơn” xét trong cùng một giai đoạn.
“Việc cách ly có thể có chút ít tác dụng, nhưng đeo các loại khẩu trang y tế sẵn có trên thị trường thì không” – ông Lvov nói.
Trong lúc vẫn chưa có vaccine ngừa virus corona chủng mới, việc cách lý đã trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Trong khi Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn nhiều thành phố, một số quốc gia khác lại cách ly các du khách mới đến hoặc công dân mới trở về từ các vùng dịch.
“Xét về trường hợp virus corona, việc này có đôi chút tác dụng” – ông Lvov nhận xét, trước khi nói về các biện pháp ngăn ngừa khác, trong đó có đeo khẩu trang.
“Những tấm vải thưa mà người ta gọi là “khẩu trang” trên thực tế là vô dụng” – ông Lvov nói.
Tuy nhiên, những loại khẩu trang làm bằng vải dày có trang bị thêm bộ lọc không khí như chúng ta đã thấy ở Trung Quốc và Nga lại là “một thứ khác hẳn”. Những chiếc khẩu trang như vậy “giúp bảo vệ chúng ta khỏi virus, chúng cũng bảo vệ người khác nếu bạn bị ốm” – nhưng chúng gần như vô dụng trước nguồn lây nhiễm từ người khác.
Khi được hỏi một lần nữa rằng sử dụng khẩu trang y tế có thực sự hiệu quả không, nhà khoa học này nhắc lại: “Thường là không, hoặc có rất ít tác dụng”.
Virus corona có thể dễ dàng thâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường mắt, bởi vậy loại khẩu trang tốt nhất là loại đảm bảo được rằng “các giọt khí lớn của các bạn và dịch từ mũi không bắn sang người khác”.
“Tôi không nói là các bạn không nên mang khẩu trang – các bạn nên làm vậy, nhưng không có gì đảm bảo cả” – ông Lvov nói.
Dịch COVID-19 có thể hết trong vòng 1 năm
Rất khó để dự đoán về thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 kết thúc, nhưng “nếu mọi người hành động như Trung Quốc, nó sẽ sớm chấm dứt”, ông Lvov nói. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhanh chóng tìm hiểu cấu trúc gien của virus và công bố kết quả nghiên cứu của họ.
Bắc Kinh đã áp dụng “những biện pháp rất mạnh mẽ” để chống lại sự lây lan của virus corona chủng mới, bởi vậy chúng ta nên “ngợi khen hệ thống y tế và chính phủ của họ vì những biện pháp mà họ đưa ra”, nhà virus học nổi tiếng của Nga nói và thêm rằng “Họ đã làm rất tốt”.
Ông Lvov nói, ở giai đoạn này, COVID-19 đang lây lan chậm hơn so với trước, và có khả năng dịch sẽ hết trong vòng 1 năm. Chủng virus này vẫn chưa thích nghi với môi trường bên trong cơ thể người, bởi vậy chúng như gặp phải “vật chủ lạ” và cơ hội để chúng trở thành một bệnh dịch lây lan rộng trên người là “thấp”.
“Nó sẽ trở lại vật chủ cũ là dơi và xuất hiện trở lại trong khoảng từ 10 – 20 năm nữa, có thể ở Trung Quốc, có thể ở Nga” – ông Lvov dự đoán.